Cần khung pháp lý để “Hiệp sĩ” hoạt động phòng chống tội phạm
Câu chuyện về nhóm hiệp sĩ đường phố tham gia bắt cướp và phải đánh đổi tính mạng, thương tật của bản thân của mình tại TPHCM trong đêm 13/5 đã khiến người dân cả nước cảm phục và xót thương. Hình ảnh của những chàng "hiệp sĩ" bắt cướp, làm việc thiện để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn được xã hội tôn vinh từ nhiều năm qua, thế nhưng qua vụ việc 2 "hiệp sĩ" hy sinh tính mạng một vấn đề được nhiều người đặt ra: Cần nhanh chóng có một hành lang pháp lý cho lực lượng này hoạt động.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chia buồn với gia đình hiệp sĩ Nam |
Yêu thương, cảm phục và mong muốn hoạt động hiệp sĩ cần có những điều chỉnh để người dân sẽ tích cực phối hợp với lực lượng chức năng săn bắt tội phạm, đó là tâm tư của bao người khi đến viếng hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam ở quê nhà Trảng Bom, Đồng Nai, người vừa tử vong khi tham gia bắt tội phạm đêm 13/5 tại TPHCM.
Nhiều người bày tỏ khâm phục những hiệp sĩ đường phố và mong có những chính sách tốt hơn để hỗ trợ lực lượng "hiệp sĩ" góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Điều đáng quý ở đây là mặc dù biết rằng khi tham gia săn bắt cướp, những hiệp sĩ này có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, kể cả hiểm nguy đến tính mạng, nhưng họ vẫn không từ bỏ niềm đam mê làm việc nghĩa, góp ích cho đời. Họ được chính những người thân của mình ủng hộ hành động nghĩa hiệp này.
Đại tá Trần Văn Khương, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai chia buồn và động viên gia đình hiệp sĩ |
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, cha của “Hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam (ở ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) dù rất đau lòng trước sự ra đi đột ngột của người con trai duy nhất, song ông rất tự hào về con trai mình. Ông Hoàng chia sẻ, dù công việc “hiệp sĩ” đã lấy đi người con của mình, nhưng đó là công việc giúp đời, giúp người nên ông vẫn ủng hộ các “hiệp sĩ” và công việc của các anh.
Nhưng theo ông Hoàng, để các “hiệp sĩ” tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ sự bình yên của người dân thì cũng cần có những điều chỉnh để không còn lặp lại câu chuyện đau lòng của con ông và gia đình. Có lẽ không phải đến bây giờ dư luận mới đặt ra vấn đề điều chỉnh và chính danh cho lực lượng "hiệp sĩ". Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, năm nào, những "hiệp sĩ" với gương sáng phố phường được xã hội tôn vinh vì nghĩa cử tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là lực lượng này đã được xã hội công nhận, nhưng dường như các chế độ và sự quan tâm của chính quyền các địa phương chưa đúng mức và nếu có chỉ là con số rất nhỏ. Dường như hiện nay mới chỉ có tỉnh Bình Dương có sự quan tâm này. Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tại Bình Dương có mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm mà nòng cốt là các anh em "hiệp sĩ". Những mô hình này được tổng kết rút kinh nghiệm rồi xây dựng thành các quy chế mang tính chất pháp lý để tổ chức thực hiện và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Phải khẳng định rằng mô hình đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Hoàng Thao, để lực lượng hiệp sĩ hoạt động hiệu quả cần phải điều chỉnh. Cụ thể: “Vấn đề cần quan tâm nhất là công tác quản lý các anh em trong câu lạc bộ này. Thứ nữa là trang bị thêm kiến thức về pháp luật và phương pháp để thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, quy chế đã ban hành. Không được lợi dụng sự tin tưởng của người dân, lợi dụng các chức năng quyền hạn của mình để làm sai lệch tôn chỉ mục đích mà đội, câu lạc bộ hoạt động”. Điều đáng nói là quy chế phối hợp giữa các "hiệp sĩ" với các lực lượng chức năng ở Bình Dương đã có, tuy nhiên về chế độ đãi ngộ cũng chỉ mang tính chất tượng trưng. Anh Nguyễn Thanh Hải, Hiệp sĩ ở Bình Dương tâm sự: “Hàng tháng, phường cấp cho đội 60 lit xăng, đổ 3 ngày là hết, còn ăn uống, cafe để theo dõi đối tượng nói chung anh em đều tự bỏ. Khó khăn thì nhiều, nhưng anh em làm vì sự tin yêu, thương mến của người dân”. Khó khăn trong cuộc sống và nguy hiểm trăm bề, nhưng họ vẫn gắn bó với công việc đơn giản là họ muốn góp sức cho đời, giúp cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn. Tuy vậy nếu có sự quan tâm, đãi ngộ hơn, có lẽ hoạt động của hiệp sĩ sẽ có hiệu quả hơn. Theo các luật sư, hơn lúc nào hết, cần phải có một khung pháp lý cho lực lượng này hoạt động.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM đề nghị: “Sự đóng góp của lực lượng không chuyên này trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là không thể phủ nhận, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khung pháp lý để họ an tâm hoạt động. Cũng vì không có khuôn khổ pháp lý cho các “hiệp sĩ” nên việc họ ra tay truy bắt tội phạm, nếu gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của mình, cho các đối tượng hoặc cho người thứ ba, họ lại không được pháp luật bảo vệ”. Khi mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm đang tiếp tục được xây dựng với những "hiệp sĩ" tay không bắt cướp, rất cần một chính danh về pháp lý cho lực lượng này. Có như thế mới khuyến khích, động viên quần chúng tích cực tham gia phòng chống tội phạm, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân./.