Cần đầu tư để Cảnh sát biển Việt Nam đủ mạnh
Thực thi nhiệm vụ biển, chỗ dựa của ngư dân
Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, chiều 29/5, Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh quân khu Thủ đô nhắc đến hình ảnh cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển trên những con tàu nhỏ, trang bị còn hạn chế nhưng vẫn hiên ngang, dũng cảm đối mặt đuổi những chiếc tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính lớn được trang bị hoả lực mạnh.
Nhưng theo đại biểu, thực tế đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để đưa chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới vào cuộc sống, trong đó hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển.
Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh: Cần chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn cho Cảnh sát biển |
Trong bối cảnh tình hình an ninh biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, những biểu hiện bất thường của biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Doãn Anh tán thành với những quy định về tổ chức, biên chế, trang bị, chế độ chính sách đặc thù cho Cảnh sát biểu.
Cũng từ sự kiện giàn khoan HD 981, Thiếu tướng Doãn Anh nêu thực tế trang bị phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, cần quy định những chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn để thực hiện mục tiêu trang bị hiện đại cho cảnh sát biển, bảo đảm cho tàu thuyền và trang bị của lực lượng này không chỉ đủ sức quản lý an ninh an toàn trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển mà còn phải làm chỗ dựa cho ngư dân bảo đảm cứu hộ cứu nạn trên biển, đủ điều kiện tham gia các hoạ động khác chuyên ngành, quản lý kiểm soát ở khu vực và quốc tế.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay thời gian qua, có một số tàu nước ngoài, đặc biệt có những vi phạm lãnh hải Việt Nam nhưng vì lực lượng Cảnh sát biển mỏng nên chưa nắm bắt được kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, khi ban hành Luật Cảnh sát biển thì cần đưa vào một số quy định để làm sao lực lượng cảnh sát biển có thể đảm bảo về số lượng, quản lý được toàn bộ vùng biển. Có nghĩa là ở đâu có ngư dân, ở đâu có hoạt động vận tải hay kinh tế biển, kể cả khu vực đường biển quốc tế giữa Việt Nam với các nước thì cảnh sát biển phải phủ kín để quản lý được địa bàn... Muốn như vậy, về tổ chức cần quy định để làm sao đảm bảo lực lượng đủ mạnh.
“Cảnh sát biển phải được đào tạo chính quy về chuyên ngành, kể cả những kiến thức hiện đại về công nghệ mới mà hiện nay nước ngoài đang áp dụng, để cảnh sát biển đông, có năng lực, đủ thiết bị và điều kiện, có như thế mới đáp ứng đủ yêu cầu bảo vệ vùng biển” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể góp ý.
Rõ trách nhiệm trong phối hợp trên biển
Lo chồng lấn nhiệm vụ, đại biểu Ngô Minh Châu, Phó GĐ Công an TPHCM đề nghị dự luật cần quy định rõ hơn chức năng, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển để tranh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác như kiểm ngư, công an, biên phòng…
Đại biểu Ngô Minh Châu: Rõ nhiệm vụ để tránh trường hợp dễ làm, khó chuyển |
“Quá trình chấp pháp trên biển, cần làm rõ các trường hợp Cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ thì phối hợp thế nào, phần hậu tố tụng ra sao và bàn giao ở phần nào. Tránh trường hợp cái dễ Cảnh sát biển làm, cái khó chuyển cho bộ phận khác” – đại biểu Châu nói.
Cùng nội dung này, đại biểu Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) cho rằng về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển chưa được quy định rõ ràng. Đặc biệt trong công tác tuần tra trên biển hiện có nhiều lực lượng tham gia. Vì vậy cần phải quy định rõ ai là người chịu trách nhiệm chính, ai là người chủ trì.
“Hôm rồi Bạc Liêu bắt vụ 1,5 tấn ngà voi vận chuyển về từ Châu Phi. Tàu hàng này đi qua ba vùng biển mà 3 lực lượng CSB, biên phòng, công an phụ trách. Khi khởi tố, điều tra không biết lực lượng nào trong ba cơ quan trên thực hiện. Vụ việc này khiến cấp bộ phải bàn giải quyết, rất khó khăn. Điều này cho thấy khi sự việc xảy ra mà không quy định cụ thể thì không biết trách nhiệm về ai” – ông Tới dẫn chứng.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định quan điểm xây dựng dự luật bám sát Nghị quyết trung ương 6 về cải cách, tinh gọn bộ máy “một việc do một cơ quan chịu trách nhiệm chính”.
“Trong nội bộ Bộ Quốc phòng thì mối quan hệ, quy chế phối hợp giữa Cảnh sát biển với Hải quân, biên phòng, bộ đội địa phương… đã được quy định rõ. Cảnh sát biển là lực lượng mang tính chất dân sự, thực thi pháp luật trên biển” – Thượng tướng Nghĩa nhấn mạnh và đồng tình phải luật hoá mối quan hệ giữa Cảnh sát biển với các lực lượng khác của các ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường, công an.../.