Cải cách tiền lương: Mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), có 5 nội dung lớn sau đây.
Thứ nhất, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm 3 phần: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm không bao gồm phụ cấp).
Thứ hai, xây dựng, ban hành hệ thống bảng tính lương mới: Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm: xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:
(1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ thì hưởng mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương như nhau; tiền lương của người lãnh đạo phải cao hơn cấp dưới có cùng trình độ và thâm niên công tác.
(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ban, ủy ban ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
Cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng. (Ảnh minh họa). |
Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương.
Xây dựng 1 bảng tính lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương như hiện nay theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau: điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp, khuyến khích công chức, viên chức phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, hạ sỹ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân, công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Thứ ba, xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới, bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay (xây dựng mức lương cơ bản bằng tiền trong bảng lương mới); đồng thời thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.
Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1 ngạch nhân viên) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp. Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực thị trường phù hợp với nguồn lực của Nhà nước. Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Thứ tư, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30% hoặc không có phụ cấp), tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù quân, binh chủng đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi của Nhà nước, gồm: toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, kiểm ngư, y tế, giáo viên…
Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cá bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Quy định mới chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Thực hiện khoán quỹ phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố trên tỉ lệ chi thường xuyên của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời quy định số lượng tối đa những người hoạt động không chuyên trách theo từng loại hình cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội động nhân dân cùng cấp quy định cụ thể chức danh theo hướng một chức danh có thể đảm nhiệm nhiều công việc nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thứ năm, về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Áp dụng chế độ tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, dử dụng cán bộ, công chức xây dựng quy chế thưởng định kỳ gắn với kết quả đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành công việc.
Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực, đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần mức lương cơ bản đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Đối với viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên được áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị) năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị không thấp hơn chế độ do Nhà nước quy định.
Đối với người lao động trong hoanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng tiếp tục được hoàn thiện theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; điều chỉnh thẩm quyền, thời hạn công bố mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) do Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung – cầu la động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp…).
Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương Quốc gia theo hướng chuyên nghiệp; bổ sung chức năng khuyến nghị, tư vấn các nội dung liên quan đến tiền lương, tăng số lượng thành viên là chuyên gia độc lập cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc để người lao động, công đoàn giám sát.
Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng, thỏa thuận tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phẩn nhà nước chi phối gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương (bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương) gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn liền với kết quả và hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp.
Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước (Hội đồng thành viên, kiểm soát viên) với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng (theo năm) gắn với quy mô (độ phức tạp của quản lý) và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đối với Người đại diện vốn Nhà nước.
Mức lương cơ bản được điều chỉnh phù hợp theo mức lương của thị trường trong nước và khu vực. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội dồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. Ban điều hành (Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp, trong đó có khống chế mức lương tối đa theo kết quả sản xuất kinh doanh và mức tiền lương bình quân chung của người lao động. Thực hiện công khai tiền lương, thu nhập hằng năm của người đại diện vốn nhà nước và Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước.
Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ làm vơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích, Nhà nước tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết thu nhập đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, viên chức quản lý, người lao động và Nhà nước./.