Bộ TN-MT ủng hộ Hà Nội bán trụ sở lấy tiền làm đường sắt đô thị
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Nội. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết UBND TP Hà Nội vừa trình Chính phủ văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn.
Trong số các đề xuất của Hà Nội có việc bán đấu giá trụ sở một số cơ quan ở Hà Nội để lại sau khi di chuyển về nơi làm việc mới lấy tiền xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị.
“Nguồn kinh phí hiện nay không đủ nên Hà Nội cũng đã báo cáo việc có thể phát hành trái phiếu Thủ đô. Tôi nghĩ Hà Nội đề xuất như vậy cũng hợp lý khi ngân sách eo hẹp. Hà Nội đã có Luật Thủ đô riêng rồi nhưng nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn”- ông Kiên nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản góp ý lần 2 về những đề xuất của TP Hà Nội. Từ quan điểm cá nhân, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói “đó là đề xuất hợp lý nhưng cần cẩn trọng”, chỗ mật độ đông thì phải dành không gian xây dựng hạ tầng cho không gian tĩnh.
Hà Nội khẳng định việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc - Ba Vì), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) là đặc biệt cần thiết.
Chính vì thế, Hà Nội đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị trên như: được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hoá từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án; cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm được chi thương xuyên để chi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; bán đấu giá tài sản công là nhà và đất để tạo vốn làm dự án; được lập các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt…
Tổng mức đầu tư của 3 dự án trên khoảng 125.000 tỷ đồng, trong đó hai dự án đã có doanh nghiệp đề xuất đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), Hà Nội làm chủ đầu tư dự án còn lại.