Bộ GTVT đề xuất 2 phương án sửa Nghị định 116 về nhập khẩu ô tô
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Chính phủ ban hành và Thông tư 03/2018 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116.
Theo đó, kể từ sau thời gian xây dựng và Ban hành Thông tư 03, Bộ GTVT đã nhận được các kiến nghị từ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA); Đại sứ quán của các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản có đề nghị tạm dừng Nghị định 116 và Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bộ GTVT cho biết, đã phối hợp với Bộ Công Thương làm việc với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để trao đổi, làm rõ những nội dung doanh nghiệp kiến nghị, qua đó một số doanh nghiệp cũng đã hiểu rõ và tiếp tục chuẩn bị các thủ tục, điều kiện để nhập khẩu.
Theo Bộ GTVT, nếu có sửa đổi Nghị định 116 thì cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. |
Trong đó, liên quan đến vấn đề khó khăn của doanh nghiệp khi cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài (VTA-Vehicle Type Approval), Bộ GTVT khẳng định, trên thực tế một số mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã được Bộ xác nhận là phù hợp với Nghị định 116 và Thông tư 03 như: Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô do Chính phủ Thái Lan cấp Ford Ranger, Ford Everest sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu đến Việt Nam, giấy chứng nhận an toàn do nhà sản xuất Ford Hoa Kỳ tự phát hành, mẫu giấy chứng nhận khí thải cấp bởi tổ chức VCA của Anh Quốc cho xe Ford Explorer sản xuất tại Hoa Kỳ xuất khẩu đến Việt Nam; giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Chính phủ Thái Lan cấp cho ô tô CR-V sản xuất tại Thái Lan xuất khẩu đến Việt Nam, Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan quản lý phương tiện CHLB Đức cấp cho BMW và của Anh cấp cho MINI…
Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu đã giải quyết được vướng mắc, kiến nghị liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho ô tô khi nhập khẩu vào Việt Nam và hiện tại không có vướng mắc gì.
Tuy nhiên, để thể hiện sự cầu thị đối với các đề xuất vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét phương án sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116 theo hướng tháo gỡ như kiến nghị của các doanh nghiệp đề xuất, sau đó Bộ GTVT sẽ tiến hành sửa đổi Thông tư 03 cho phù hợp Nghị định.
Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án sửa Nghị định 116/2017:
Phương án 1: Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Mỹ, Nhật Bản và chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ và doanh nghiệp sửa đổi nội dung tại Nghị định 116.
Cụ thể, bỏ thủ tục giấy chứng nhận kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, sửa đổi quy định đường thử chiều dài 800m. Đồng thời Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 03 theo hướng bỏ một số thủ tục về giấy chứng nhận linh kiện gương, lốp, kính, đèn chiếu sáng…
Phương án 2: Tiếp tục thực hiện nghiên cứu theo Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT trong một thời gian nữa, nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ánh của doanh nghiệp thì tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho rằng,việc sửa đổi cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu sửa đổi Nghị định 116 theo hướng xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải lần đầu tiên, 6 tháng sau mới tiến hành kiểm tra lại sẽ tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp nhập khẩu lách luật, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, việc một nhà nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (đã được chuẩn bị trước) để cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, sau đó nhà nhập khẩu tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô còn lại. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được an toàn và chất lượng linh kiện và hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong chu kỳ 6 tháng…
“Do đó, việc kiểm tra liên tục và thường xuyên đối với mỗi lô nhập khẩu của cơ quan chức năng để đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng, tạo sự bình đẳng đối với xe sản xuất lắp ráp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường là hết sức cần thiết” - Bộ GTVT cho biết./.