Bệnh viện dã chiến cấp 2: Làm chủ các tình huống phức tạp ở Phái bộ giả định
Một tình huống cấp cứu đau ruột thừa cấp. |
Khẩn trương và trách nhiệm trong thực hiện công việc cùng tinh thần học hỏi cầu thị là điều ai cũng nhận thấy ở toàn thể lực lượng bệnh viện dã chiến. Sau 3 năm thành lập và trải qua nhiều khóa huấn luyện ngoại ngữ và chuyên môn, đợt huấn luyện tổng hợp này là cơ hội để Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, tổ chức huấn luyện thực hành dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Các tình huống thực hành được thiết kế sát với điều kiện thực tế tại địa bàn Bentiu, Nam Xu-đăng – nơi dự kiến sẽ triển khai Bệnh viện dã chiến vào Quý II năm 2018. Đây cũng được coi là bước thục luyện quan trọng, nhằm làm tốt công tác chuẩn bị để đón đoàn Kiểm tra của Liên hợp quốc sang đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam và tiến hành các thủ tục quan trọng khác để Bệnh viện dã chiến của Việt Nam chính thức triển khai tới thực địa tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hội ý nhanh về tình hình của bệnh nhân. |
Theo chương trình, các bài tập tình huống thực hành được tăng dần độ khó và phức tạp, từ các hoạt động của từng khoa khám, chữa bệnh đơn lẻ tới việc huy động toàn bệnh viện xử lý nhiều bệnh nhân khác nhau cùng một lúc. Thú vị hơn, các chuyên gia nước ngoài đã lược bỏ một số tình huống giả định đã lựa chọn trước đó, thay vào đó là một tình huống hoàn toàn mới, khác hẳn kịch bản đã định. Mục tiêu của việc thay đổi tình huống là kiểm tra trình độ chuyên môn, khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các bộ phận của bệnh viện. Không bất ngờ trước sự thay đổi tình huống, các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện đã nhanh chóng nhận diện tình hình, hội ý chớp nhoáng và đưa ra các biện pháp xử lý hợp lý. Sau mỗi bài tập, các chuyên gia quốc tế và bác sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 cũng trao đổi nhiều tình huống có yếu tố tác động từ bên ngoài vào quá trình thực hành khám, điều trị bệnh nhân như hỏa hoạn, lũ lụt xảy ra trong khi khám bệnh, hỏng máy máy phát điện trong khi đang mổ… Giải quyết thỏa đáng những tình huống giả định này giúp cán bộ, bác sĩ và nhân viên bệnh viện tích lũy thêm kinh nghiệm có thể áp dụng được khi được triển khai tới phái bộ gìn giữ hòa bình.
Chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ. |
Chỉ riêng trong ngày 15-9, đã có 8 tình huống được các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 xử lý thành công. Theo nhận xét của Thiếu tá Jason Sanjay Biswas, chuyên gia quân y Vương quốc Anh, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã từng bước nắm bắt đầy đủ và chắc chắn quy trình tiếp nhận, phân loại, khám cấp cứu và triển khai các bước điều trị tiếp theo tại một bệnh viện dã chiến cấp 2. Thiếu tá Jason Sanjay Biswas đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện và cho rằng kết quả trong lần đầu tiên tiếp cận, vận hành bộ trang thiết bị bệnh viện dã chiến cấp 2 như vậy là rất tốt. Thượng sĩ Christina Mae Mitchell, chuyên gia quân y Hoa Kỳ, cho biết: “Các bạn Việt Nam rất hào hứng và chủ động trong tham gia huấn luyện và tiến bộ thấy rõ sau từng ngày. Các bạn đang dần hình thành và làm chủ một quy trình vận hành bệnh viện khoa học và rõ ràng. Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã thể hiện tinh thần tập thể rất cao, hiệp đồng linh hoạt và hiệu quả trong thực hiện công việc”.
Rút kinh nghiệm sau khi kết thúc một bài tập. |
Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Thiếu tá Nguyễn Thành Công cho hay: “Trong ngày huấn luyện đầu tiên, anh em còn bỡ ngỡ do có sự khác biệt giữa thực địa huấn luyện với công việc thực hiện hằng ngày và các thiết bị mới của bệnh viện dã chiến. Sang những ngày tiếp theo, anh em đã dần làm quen và làm chủ trang thiết bị của bệnh viện dã chiến, phối hợp nhịp nhàng và tiến bộ từng ngày trong xử lý các tình huống y tế theo kịch bản cũng như các tình huống bất ngờ”. Thiếu tá Nguyễn Thành Công nhận định với năng lực chuyên môn và cách tiếp cận nhanh chóng với phương pháp vận hành và sử dụng trang thiết bị của bệnh viện dã chiến, đồng chí hoàn toàn tin tưởng rằng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu của Liên hợp quốc ở giai đoạn huấn luyện này.
Chuyên gia quốc tế và Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam trao đổi thông tin về địa bàn Bentiu, Nam Xu-đăng với lực lượng bảo đảm của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. |
Những kết quả vừa đạt được trong giai đoạn huấn luyện thực hành là do sự nỗ lực của toàn bộ cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Bên cạnh đó còn có vai trò quan trọng của các cơ quan điều phối hoạt động huấn luyện như Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đơn vị chủ trì diễn tập; cán bộ Cục Quân y; Sư đoàn 317 và các lực lượng bảo đảm khác. Về công tác chuyên môn gìn giữ hòa bình, song song với hoạt động xử lý tình huống y tế, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì tổ chức các cuộc họp, phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế giới thiệu cho các bộ phận bảo đảm của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 về tình hình Bentiu, Nam Xu-đăng. Những thông tin về khu vực sẽ triển khai bệnh viện, đường giao thông, phương thức vận tải, nguồn nước và chất lượng nguồn nước sinh hoạt và nước y tế... là những kinh nghiệm quý báu cho lực lượng bảo đảm của bệnh viện làm công tác chuẩn bị. Về chuyên môn y tế, các cán bộ Cục Quân y đã có những góp ý thiết thực sau mỗi buổi huấn luyện cho lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện, trợ giúp Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoàn thành tốt giai đoạn huấn luyện thực hành.
Sau 5 ngày huấn luyện thực hành xử lý tình huống y tế, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành tốt giai đoạn 2 và chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo: Giai đoạn diễn tập tổng hợp vận hành Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Giai đoạn này bao gồm việc xử lý các tình huống y tế, chỉ huy, điều hành bệnh viện dã chiến dưới sự quan sát, đánh giá, thẩm định độc lập của các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam.