Bảng giá xe ôtô tại Việt Nam cập nhật tháng 1/2018
Nhập khẩu ô tô khó khăn hơn
Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP về các điều kiện về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vừa được Bộ Giao thông Vận tải chính thức công bố, với nội dung hướng dẫn thực hiện các quy định mới về kinh doanh, sản xuất ôtô, đặc biệt là nội dung liên quan đến nhập khẩu xe chưa qua sử dụng (xe mới). Các nội dung này được đánh giá là còn “khắt khe” hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe.
Cụ thể, Thông tư 03/2018/TT-BGTVT tiếp tục khẳng định yêu cầu các thương hiệu muốn nhập khẩu xe mới sẽ buộc phải cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài (là giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường). Đây là điểm mấu chốt mà các hãng có mặt tại Việt Nam cho rằng; mỗi quốc gia (sản xuất xe) khi sản xuất xe cho thị trường Việt Nam đều rất khó khăn để chứng nhận cho lô xe không tiêu thụ tại nước đó (mà để xuất khẩu sang Việt Nam).
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục khẳng định việc kiểm tra thực tế số khung/số máy trong từng xe trong lô nhập khẩu theo hồ sơ đăng kí, và cơ quan kiểm tra sẽ lấy ngẫu nhiên 1 xe mẫu (hoặc 2, theo đề xuất cụ thể của doanh nghiệp) đại diện cho từng kiểu loại ôtô trong lô xe nhập khẩu.
Việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN nói chung và từ các thị trường lớn khác gặp rất nhiều khó khăn ngay từ đầu năm mới 2018. |
Ngoài ra, trong nội dung thông tư của Bộ Giao thông Vận tải này còn có thêm một yêu cầu đối với hồ sơ đăng kí kiểm tra đối với ôtô được nhập khẩu mới nguyên chiếc còn phải có “bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Đây là một yêu cầu hoàn toàn mới và đại diện một số thương hiệu xe tại Việt Nam cho biết: Sẽ phải cần thêm hướng dẫn cho Thông tư 03/2018/TT-BGTVT này.
Đó là chưa kể, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô còn phải cung cấp bản sao tài liệu về “kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất đối với nhà máy đã sản xuất ra kiểu loại ôtô nhập khẩu”.
Đã qua thời hoàng kim của xe nhập khẩu?
Vấn đề mà các hãng lo ngại và viện dẫn khó khăn nhiều nhất là Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu đã chính thức bắt buộc phải có. Và giờ đây, “cuộc chiến” tại thị trường Việt Nam sẽ dành cho hãng xe nào thích ứng được các hàng rào kỹ thuật này, nếu không muốn phải tiếp tục đầu từ mở lại dây chuyền lắp ráp hoặc nhường lại thị phần cho các đối thủ của mình - một trong những điều quan trọng lí giải tại sao các hãng không thể buông thị trường Việt Nam, cho dù sản lượng còn rất nhỏ.
Với các loại giấy tờ quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP cùng một số yêu cầu có thêm trong Thông tư 03/2018/TT-BGTVT, mà phải cần có thêm các hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, một trong thủ tục sẽ và chứng nhận kiểu loại đèn pha, gương chiếu hậu… sẽ là những loại giấy tờ hoàn toàn mới mà các doanh nghiệp cần bổ sung.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe cho biết, những vướng mắc về thủ tục của Nghị định 116 đã khiến lô xe của hãng, nhập khẩu từ Nhật Bản và Mỹ phải nằm tại nhà máy mà chưa dám cho xuất cảng về Việt Nam vì chưa có lối thoát, nay các hướng dẫn và yêu cầu mới trong Thông tư 03/2018 sẽ thời gian nằm kho kéo dài hơn. Đó là chưa kể các mẫu xe sản xuất cho thị trường Việt Nam sẽ khó, thậm chí không thể bán tại các thị trường khác, do khác biệt về tiêu chuẩn và trang thiết bị an toàn. Trong khi đó, để đưa một lô xe nhập khẩu về Việt Nam, nếu trong khu vực ASEAN thì chỉ mất 7 - 10 ngày trong khi từ các khu vực khác như châu Âu hay Mỹ, thì thời gian có thể phải tính bằng tháng. Giờ đây, với các thủ tục mới, hãng chưa biết bao giờ mới có thể đưa xe về được Việt Nam.
Và như vậy thay vì mở rộng cánh cửa đối với phân khúc xe nhập khẩu qua “cửa ải” Nghị định 116, Thông tư 03/2018/TT-BGTVT còn siết chặt thêm các quy định đối với việc kinh doanh nhập khẩu ôtô. Và những quy định này không chỉ ảnh hưởng với các doanh nghiệp nhập khẩu xe từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản mà ngay cả với các mẫu xe được sản xuất từ ASEAN được hứa hẹn miễn thuế nhập khẩu khi về Việt Nam cũng sẽ bị chậm lại, chưa thể đến tay người tiêu dùng.
Danh sách thương hiệu và cập nhật bảng giá tháng 1/2018 tại Việt Nam:
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các thương hiệu ôtô đang kinh doanh tại Việt Nam được chia ra như sau: Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), với 19 thành viên, bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh xe du lịch và cả xe thương mại, phần còn lại là các nhà nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới hình thức phân phối chính hãng, bao gồm Audi, BMW, Porsche…
Tuy nhiên, để phù hợp với sự quan tâm của độc giả, chúng tôi chỉ đăng tải giá bán của những mẫu xe du lịch, xe đa dụng, xe SUV và một vài mẫu xe bán tải (pick-up) hiện đang được quan tâm trên thị trường như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Nissan Navara…
Một số thương hiệu “đặc biệt” mà giá bán phụ thuộc vào người mua đặt hàng như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Mekong (với một vài mẫu Fiat và PMC)… nên chúng tôi không đưa vào bảng tổng hợp này.