Ban Tổ chức, Ban Dân vận Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Ninh
Sáng nay (8/8), đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương có cuộc làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh về mô hình Cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội do Quảng Ninh triển khai thí điểm.
Trưởng Ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận TW Trương Thị Mai và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc. |
Mô hình Cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội do Tỉnh ủy Quảng Ninh triển khai thí điểm từ năm 2015 được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương. Tính đến nay, mô hình Cơ quan Khối cấp huyện đã được thực hiện tại 14/14 địa phương trong toàn tỉnh, triển khai đồng bộ xuống cấp xã. Cơ quan Khối cấp tỉnh thành lập tháng 3/2018 từ việc sơ kết 2 năm triển khai mô hình cấp huyện.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, mô hình Cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp đảm bảo sự phối hợp, thống nhất, tiết kiệm nguồn lực, rõ hơn sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; giảm hành chính hóa, huy động sự tự nguyện của nhân dân, tăng tính thuyết phục, hiệu quả; nâng cao niềm tin của nhân dân (80% người dân được khảo sát có đánh giá tốt).
Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến cho mô hình của Quảng Ninh. |
Bên cạnh việc đổi mới nâng cao hiệu quả giám sát, hiệu quả trong tinh gọn bộ máy, tiết kiệm biên chế cũng thấy rõ khi Cơ quan Khối giảm từ 33 ban chuyên môn còn 6 ban, giảm 69 vị trí chức danh lãnh đạo trưởng, phó các ban chuyên môn.
Tuy nhiên, trong triển khai mô hình chưa có tiền lệ này, Quảng Ninh cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế như: còn nhiều lúng túng trong việc phối hợp giữa các tổ chức; các tiêu chí đánh giá chưa kịp đổi mới phù hợp với mô hình mới; năng lực trình độ cán bộ; chưa giải quyết thấu đáo tâm tư của đội ngũ sau tinh giản,...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo của các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương đã đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp điều chỉnh về mô hình thí điểm của Quảng Ninh. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,… thể hiện sự băn khoăn về Cơ chế vận hành, Cơ chế tài chính cũng như phương thức phân chia các nhiệm vụ chung – riêng trong Cơ quan Khối, liệu việc thực hiện chức năng nhiệm vụ có tốt hơn mà không làm mất đi vai trò, đặc thù của từng tổ chức chính trị - xã hội.
Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm. |
Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định việc xây dựng cơ quan này là để thực hiện tham mưu, giúp việc. Tỉnh gọi là “9 chung 14 chia” là không thay cho các tổ chức, mà là chung nhau một số việc liên quan đến hành chính là làm chung, chia là chia chủ trì các nhiệm vụ ấy. Còn nhiệm vụ của các tổ chức không được bỏ.
Theo bà Đỗ Thị Hoàng, các ý kiến đóng góp giúp địa phương có thêm cơ sở lý luận, những phần việc cụ thể của các tổ chức Trung ương.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng yêu cầu Quảng Ninh cần làm rõ hơn một số vấn đề về lý luận cũng như cơ chế, cách thức hoạt động của Cơ quan Khối. Từ những kết quả bước đầu này, Quảng Ninh cần đánh giá, điều chỉnh thêm, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao phó.
Đánh giá cao quyết tâm chính trị cùng nỗ lực, hành động quyết liệt của Quảng Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng đề nghị Quảng Ninh tiếp thu các ý kiến của đại biểu, tổng kết mô hình trong thời gian tới.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đồng hành với Quảng Ninh, tổng kết mô hình, vừa là kế thừa, vừa là đổi mới, vừa ổn định, vừa phát triển.
Tinh thần chung là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với MTTQ, các đoàn thể CT-XH; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều lệ hoạt động của các tổ chức CT-XH và MTTQ; bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên hội viên nhưng cũng phải bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CT-XH./.