Được tiến hành khởi công hơn 1 tháng nay, Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 1 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với phần việc ban đầu là nạo bùn ngoài biển đã tập kết gần 1 triệu mét khối bùn nước mặn vào đổ đầy ở các khu đất nuôi trồng thủy sản ven đường đi vào cảng Chân Mây.
"Đầm lầy bùn" vừa được tạo ra từ Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 1 do việc hút bùn ngoài biển đổ vào đất nuôi trồng thủy hải sản cạnh nhiều công trình công vụ ven cảng du lịch Chân Mây như Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Chân Mây, Hải quan, đường đi vào cảng...
Qua quan sát của PV tại hiện trường, một đường ống lớn và dài từ các máy hút bùn ngoài biển đã đưa bùn đi vào đất liền, tạo thành những đầm lầy khổng lồ bốc mùi hôi và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Cụ thể ở các khu đất nuôi trồng thủy sản đã được chọn làm bãi tập kết vật thải bùn biển, xung quanh không có rào chắn, chỉ có một số biển cảnh báo nguy hiểm, nếu người nào sẩy chân xuống thì đe dọa lớn đến tính mạng. Bên cạnh đó cũng không có bờ bao xung quanh, dẫn đến nếu mưa lớn sẽ làm tràn bùn lên mặt đường gây mất mỹ quan cho cảng biển du lịch Chân Mây.
Vào tuần trước, tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Chân Mây sát “đầm lầy bùn”, do đơn vị thi công xả bùn vào nhanh đã làm cho trạm biến áp của Trạm biên phòng gặp sự cố chập điện. Gần 4 ngày không có điện khiến Trạm Biên phòng phải câu điện tạm của đơn vị Hải quan bên cạnh dùng tạm.
Trước sự cố này, Điện lực Phú Lộc (Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) đã có công văn gửi chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cùng liên danh nhà thầu, đơn vị thi công Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 phải có phương án xử lý an toàn điện. “Nếu xảy ra sự cố về an toàn điện đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” – ông Đinh Xuân Biên, Giám đốc Điện lực Phú Lộc nhấn mạnh.
Làm việc với PV, ông Lê Phước Nam, phụ trách kỹ thuật Công ty CP Đạt Phương cho biết đơn vị cùng Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô thuộc Bộ Quốc phòng phụ trách việc hút bùn. Riêng Công ty Đạt Phương hút 500.000 mét khối bùn, còn phía Lũng Lô hút ít hơn, vị chi gần 1 triệu mét khối bùn biển. Tuy nhiên việc thi công hút bùn chủ yếu do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đảm trách. Thời gian hút bùn từ ngày 29/4 vừa qua, trong khi hút đã có một số vấn đề chưa đảm bảo.
Để có thông tin thêm từ phía Lũng Lô chúng tôi đã điện thoại nhiều lần vào số điện thoại ông Công – phụ trách thi công hút bùn biển nhưng ông này không bắt máy.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.
|
Đường ống hút bùn từ biển vào |
|
Xả bùn ở các khu đất nuôi trồng thủy hải sản ngay cạnh biển chỉ vài trăm mét |
|
"Đầm lầy bùn" vừa được con người tạo ra sau hơn 1 tháng hút bùn |
|
Bùn thối rất mất mỹ quan và ảnh hưởng môi trường |
|
Chưa biết quy định về bãi thải như thế nào, nhưng việc hút bùn từ biển vào để rồi đổ ngay gần sát biển là điều khó chấp nhận được |
|
Cây cối trong đầm lầy bùn đã chết |
|
Một số am thờ gần ngập |
|
Các cây dương, dứa dại chìm trong biển bùn |
|
Trại nuôi trồng thủy sản đã được đền bù gần biến mất |
|
Đơn vị Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - chi nhánh xây dựng công trình thủy đang tiếp tục nối ống để dẫn bùn vào đất liền |
|
Các dây diện nằm sát mặt bùn |
|
Chỉ có biển báo sơ sài chứ không có khoanh vùng các đầm lầy bùn tránh nguy hiểm cho người dân đi lại |
|
Các cột điện, trạm biến áp bị ngập. Dưới ảnh hưởng nước mặn từ bùn biển, thời gian ngắn nhiều công trình điện sẽ bị hư hỏng nhanh chóng |
|
Các trạm biến áp của Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Chân Mây đã gặp sự cố tắt điện do nước bùn dâng cao |
|
Việc hút bùn biển vào đất liền vẫn đang tiếp tục |