Ảnh nghệ thuật Việt Nam thiếu sáng tạo, không có tư tưởng?
Nếu theo các thông tin ảnh nghệ thuật Việt Nam đoạt các giải cao của những tổ chức quốc tế, trung bình lên đến mấy trăm giải trong một năm, có thể nghĩ ảnh nghệ thuật Việt Nam chắc rất mạnh, rất tốt, rất đẹp… Nhưng nếu nhìn nghiêm túc và khắt khe với chính người cầm máy, thì nói chung vẫn thiếu sự mạnh mẽ và những thông điệp nhân sinh trong dòng chảy cuộc sống.
Trong các loại hình nghệ thuật có lẽ Nhiếp ảnh thuộc loại kén chọn công chúng khán giả, rất ít triển lãm ảnh thu hút được hơn ngàn khách, hay trở thành sự kiện có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa cộng đồng như các loại hình nghệ thuật khác. Công chúng có thể nhớ một ca khúc, một bộ phim, hay nhớ đến ca sĩ, diễn viên, nhưng nếu không phải người trong nghề hay rất đam mê nhiếp ảnh Việt Nam thì khó mà nhớ năm qua bức ảnh nào đẹp nhất, của ai, chụp cái gì?
Tác phẩm “Vó đánh cá” của tác giả Lý Hoàng Long. |
Mạnh về du lịch, chân dung - Ưa dàn dựng xử lý
“Việt Nam là đất nước để chụp ảnh”, nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài nhận xét khi đến Việt Nam. Từ phong cảnh đến những sinh hoạt đời thường, từ kiến trúc đến những nét văn hóa riêng biệt có vẻ xưa cũ cổ tích trong đời sống và con người đều mang rất nhiều sự hấp dẫn, bắt mắt các giám khảo “ngoại”.
Nắm bắt được điều này, nên các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cứ chăm chú vào đó để dễ “rinh” giải. Chẳng thế mà mấy chục năm nay, các giải thưởng cứ quanh quẩn những hình ảnh lão nông với đó úp cá, cô gái vá lưới, cảnh đánh cá trong sương mù hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), các chân ruộng bậc thang ngoằn ngoèo… Hay, chân dung các ông lão râu tóc bạc phơ khắc khổ, bà lão móm mém, em bé dân tộc tròn xoe đôi mắt ngơ ngác…
Trong một cuộc phỏng vấn nhanh các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: “Anh hay chị thích (hay) chụp gì?”. Trước câu hỏi chẳng có gì mới đó, câu trả lời chiếm đến 90% là du lịch - chân dung - đời thường.
Không thể phủ nhận, những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam khi đoạt các giải thưởng quốc tế đã như một kênh quảng bá đất nước ra nước ngoài, qua những bức ảnh được triền lãm trong các phòng tranh hay bảo tàng ở các quốc gia.
Nhưng nếu cứ quay đi quay lại mãi những hình ảnh đó, dù là hấp dẫn khám phá với người nước ngoài, thì rồi cũng lại làm cho ảnh nghệ thuật Việt Nam trở nên nghèo nàn và xưa cũ.
Không khó nhận ra rất nhiều ảnh nghệ thuật Việt Nam đoạt giải được dàn dựng (set up) công phu, thậm chí có nhiều ảnh phi thực tế về các chiều không gian hay vật lý học. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt rất giỏi về dàn dựng, không khác gì đạo diễn phim. Sau đó lại có những phần mềm công nghệ tạo hiệu ứng theo ý muốn, bức ảnh được làm hậu kỳ kỹ càng chẳng khác gì một cảnh phim.
Bức ảnh “Hoạ sỹ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như – Huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội 2016, bị tố dùng photoshop. Tác giả đã xin rút khỏi giải thưởng. |
Có những cuộc thi ảnh mà nhìn vào tác phẩm đoạt giải thấy không phải là cuộc thi của những nhiếp ảnh gia (photographer) mà là cuộc đấu của những nhiếp ảnh gia photoshop (photoshopgrapher)… Chính vì ảnh dàn dựng xử lý nhiều, tuy đẹp, lung linh, khác lạ, nhưng nhìn ảnh thấy giả, xa lạ, khó thuyết phục công chúng nhìn nhận như một cách phản ảnh cuộc sống chân thực.
Ảnh nghệ thuật Việt Nam yếu sáng tạo
Có nhiều ý kiến cho rằng ảnh nghệ thuật Việt Nam không có tư tưởng. Nghe có vẻ hơi thiên kiến, nhưng không sai. Rõ ràng ảnh nghệ thuật Việt Nam thiếu những tư tưởng lớn mang tầm thời đại mà vẫn chỉ loay hoay quanh dạng ảnh du lịch, ảnh chân dung, ảnh đời thường với ý tứ giản đơn, không để lại nhiều dấu ấn.
Ảnh có thể bắt mắt, thỏa mãn thị giác ở ngay tức thời nhưng dấu ấn, dư âm để lại là không có. Gần như rất khó “định dạng” một bức ảnh nào thật sự có sức mạnh để “sống” trong cộng đồng.
Mảng ảnh sáng tạo (creative) không phải không có tay máy xuất sắc nhưng con số đó chỉ đếm đầu ngón tay. Phần lớn ảnh sáng tạo của Việt Nam không có nhiều ý tưởng độc đáo, sâu sắc, chưa kể nhiều khi bắt chước ý tưởng của các tác giả nước ngoài.
Cũng có những ý tưởng tốt nhưng cách thực hiện, triển khai chưa thấu đáo, tới tận cùng, chỉ mới dừng ở bề mặt, chưa có chiều sâu, chưa đi vào bản chất của sự vật, hiện tượng.
"Ba chị em Hmông" - tác phẩm của Trần Thiết Dũng đoạt Huy chương Vàng VAPA thể loại đen trắng tại Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 6. |
Còn nhớ cuộc thi ảnh “Ý tưởng toàn quốc” lần đầu tiên do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm tổ chức cách đây mấy năm, khi đã mở cửa cho các nghệ sỹ sáng tạo đến tận cùng, mà kết quả cũng không nhiều ý tưởng đặc sắc, vẫn hời hợt kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Mảng Ảnh trừu tượng ăn ở đường nét, hình dạng càng hiếm. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ham chụp tĩnh vật và có những bức trừu tượng khá tốt, nhưng chỉ là số ít, và cũng chưa thật sự tạo thành dấu ấn.
Ảnh Đương đại, đang là xu hướng của nghiếp ảnh nghệ thuật thế giới, với Việt Nam càng hiếm hơn, vì thể loại ảnh này tiêu chí thẩm mỹ không phải đặt lên hàng đầu mà là thông điệp, tính thông tin của bức ảnh mới là quan trọng nhất.
Có nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thành công ở một mảng đề tài nhất định và cứ thế “bám chặt” lấy nó, không dám mạo hiểm thay đổi, kết quả dần lặp lại chính mình, trở nên nhàm chán, xưa cũ… Và có nhiều nghệ sĩ Việt tin rằng sáng tạo là cái gì đó quá khó, không dành cho số đông?
Muốn sáng tạo, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kiến thức rộng, biết cách diễn đạt ý tưởng tưởng của mình qua bức ảnh. Ngoài ra, cần theo đuổi những dự án nhiếp ảnh dài hơi, thậm chí thực hiện series ảnh, một bộ ảnh hơn là chỉ có ảnh đơn, mới thể hiện được rõ nét phong cách và khả năng sáng tạo của nghệ sỹ.
Một bức ảnh muốn trở thành một tác phẩm nghệ thuật, “sống” lâu bền trong cộng đồng, có ảnh hưởng đến xã hội, tham gia vào đời sống văn hóa nghệ thuật quốc gia, nhất định nó phải mang “chất” riêng của tác giả. “Chất” riêng đó đậm đặc ở mức nào chính là dấu ấn sáng tạo của cá nhân nghệ sỹ.
Và nếu như nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khi chụp một bứa ảnh, hiểu rõ mình chụp vì cái gì, vì cá nhân mình (để đoạt giải), bức ảnh đó sẽ “chết”, còn chụp vì cộng đồng, vì sự phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, chắc chắn sẽ là tác phẩm “sống” có giá trị./.