5 lưu ý bảo đảm an toàn cho trẻ dịp Tết Trung thu
Chào đón Tết Trung thu năm 2023, nhiều trẻ em được tặng quà, trao tặng xe đạp mới. |
Thứ nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao (đèn ông sao, đèn lồng có đốt nến, bóng bay sử dụng khí dễ bắt lửa gây cháy nổ...), hạn chế đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ trông trăng tại gia đình và các khu vực công cộng.
Thứ hai, bảo đảm an toàn phòng, chống các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, gây ngộ độc đối với các sản phẩm đồ chơi được cất giữ, lưu thông, mua bán trong dịp Tết Trung thu.
Thứ ba, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc cho trẻ em đối với các loại bánh, kẹo, trái cây, đồ uống và các loại thực phẩm khác được sử dụng trong các hoạt động Tết Trung thu.
Thứ tư, bảo đảm an toàn đối với các phương tiện giao thông và các tuyến đường có số lượng lớn trẻ em và người dân tham gia giao thông trong dịp Tết Trung thu.
Thứ năm, tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra trước và trong khi tổ chức các hoạt động Tết Trung thu để ngăn chặn loại bỏ kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em và người tham gia.
Cục Trẻ em yêu cầu sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ và tai nạn, thương tích cho trẻ em trong báo cáo hoạt động Tết Trung thu năm 2023.
Liên quan đến nhiệm vụ tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, trước đó, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã ký công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em. Trong đó, quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.../.