Xét xử vụ án tại PVP Land: Thẩm vấn làm rõ hành vi tham ô
Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy trả lời câu hỏi của luật sư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Các luật sư tham gia thẩm vấn các bị cáo tại phiên tòa, tập trung xoay quanh hành vi kết nối, chia tiền của các bị cáo trong quá trình PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.
Tại tòa, bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan) khai không có nhu cầu gặp Trịnh Xuân Thanh để nhờ vả. Việc gặp gỡ bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ là do bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) nhờ Hương đi gặp bị cáo Thanh để giới thiệu nhà đầu tư.
Do không quen biết Thanh, nên Hương đã nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) kết nối cho Hương làm quen với Thanh và Thắng đã đồng ý đứng ra giới thiệu.
Tuy nhiên, khi đối chất với bị cáo Thái Kiều Hương tại tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh đã khẳng định bị cáo không nhờ Hương đến gặp Thanh, vì việc bị cáo Sinh gặp Thanh không có gì khó khăn, không cần thiết phải nhờ qua người khác.
Cũng trong lời khai của mình, bị cáo Thái Kiều Hương cho rằng có đưa 19 tỷ đồng cho bị cáo Thắng, trong đó 5 tỷ đồng là của bị cáo Thắng, và nhờ Thắng chuyển cho bị cáo Thanh 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hương không biết rõ đó là tiền gì.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cho biết do được Hương nhờ nên Thắng đã kết nối và giới thiệu Hương với bị cáo Thanh qua một buổi gặp mặt, ăn uống tại nhà hàng trên đường Xuân Diệu (Hà Nội).
Thắng chỉ dừng lại ở việc kết nối gặp gỡ, ngoài ra vấn đề thoái vốn và việc mua bán cổ phần với giá thực tế là bao nhiêu thì Thắng không biết, do đó là vấn đề nội bộ của PVP Land. Mặt khác, việc nhận 5 tỷ đồng từ bị cáo Hương, bị cáo Đinh Mạnh Thắng coi đó là chuyện bình thường, vì đó là tiền mà Hương cảm ơn sau khi thực hiện thành công hợp đồng mua bán.
Về vấn đề này, cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (ở Thành phố Hồ Chí Minh) là những người móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land; biết rõ hành vi lợi dụng việc bán cổ phần để chiếm đoạt tài sản của các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, nhưng vẫn tích cực thực hiện để trục lợi và giúp sức cho các bị can này chiếm đoạt được tiền.
Đối với việc bị cáo Thái Kiều Hương chuyển 5 tỷ đồng cho Đinh Mạnh Thắng, chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh; các bị cáo khai không biết đó là tiền chênh lệch giá. Tuy nhiên, tài liệu điều tra xác định Hương đã tác động đến Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh để Thanh quyết định cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần.
Hương cũng là người đưa bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Đào Duy Phong đặt vấn đề mua cổ phần và theo lời khai của Đào Duy Phong, Hương là người đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh là ký hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2, phần chênh lệch chia nhau và Phong sẽ được hưởng 10 tỷ đồng.
Bị cáo Thái Kiều Hương trả lời câu hỏi của luật sư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Trong việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân), Công ty Vietsan do Thái Kiều Hương là Phó Giám đốc cũng là một cổ đông sáng lập, nên Hương biết rõ giá trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá đã được các cổ đông thống nhất tại Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010.
Vì vậy, có đủ cơ sở xác định khi nhận số tiền 19 tỷ đồng để chuyển cho Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh, Thái Kiều Hương biết là tiền chênh lệch ngoài giá hợp đồng của PVP Land được chuyển cho các cá nhân có liên quan; nhưng đã tích cực thực hiện, giúp cho Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt được 5 tỷ đồng và Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng.
Khi vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị khởi tố, Thái Kiều Hương đòi lại số tiền 19 tỷ đồng đã chuyển nói trên, thống nhất đưa vào thành tiền thanh toán cổ phần cho Công ty Vietsan để che giấu hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm; bị cáo Đinh Mạnh Thắng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đã chuyển trả lại số tiền bất chính mà các bị cáo này đã tham ô.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, điều chỉnh một số nội dung mà Viện Kiểm sát truy tố trong bản cáo trạng. Cụ thể, trong bản cáo trạng có nêu: “PVC là doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.”
Theo bị cáo Thanh, con số này là không chính xác, đề nghị Viện Kiểm sát điều chỉnh lại. Mặt khác, Thanh còn cho rằng, hành vi tham ô tài sản mà Viện Kiểm sát cáo buộc đối với bị cáo chỉ chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương và Đinh Mạnh Thắng. Trong khi đó, tại phiên tòa, cả hai bị cáo này đều khẳng định bị cáo Thanh không chỉ đạo và yêu cầu đưa tiền.
Liên quan đến nội dung này, khi được hỏi, bị cáo Thái Kiều Hương khẳng định giữa bị cáo Hương và bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quan hệ cá nhân, việc bị cáo Hương chuyển tiền là do Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land, đã mất) nói bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh nhờ Công ty Vietsan chuyển tiền cho bị cáo Thanh.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng khai bị cáo Thanh không chỉ đạo Thắng đưa tiền, bản thân Thắng và Thanh không có bàn bạc gì về chuyện đưa tiền mà là do bị cáo Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng chuyển tiền cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh khai khi cần xin ý kiến chỉ đạo về chuyển vốn, thoái vốn, bổ nhiệm nhân sự thì bị cáo Sinh sẽ báo cáo trực tiếp Trịnh Xuân Thanh, mà không cần phải thông qua người khác truyền đạt.
Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chiều 25/1, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát sẽ đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo./.