Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ: Cơ quan điều tra TP HCM tự mâu thuẫn về quan điểm buộc tội
Trong vụ án “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” mà dư luận hay còn gọi là vụ án “Chìm ca nô xảy ra ở huyện Cần Giờ” xảy ra cách đây 5 năm, cơ quan điều tra đã 2 lần đưa ra kết luận.
Một là bản kết luận số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3 ngày 12/9/2014. Và bản kết luận điều tra bổ sung số 372-25/KLĐTBS-PC01-Đ3 ngày 30/8/2018.
Bản kết luận số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3 cho biết: Ca nô tai nạn mang ký hiệu BP12-04-02 là tài sản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đang được Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý.
Tự thân cơ quan điều tra mâu thuẫn trong quan điểm về vật chứng vụ án khi thì của Quốc phòng, khi đang thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Đảo |
Hành vi sử dụng tài sản Quốc phòng là phương tiện tuần tra vào việc vận chuyển hành khách, gây thiệt hại cho quân đội cần được điều tra làm rõ để xử lý. Cơ quan CSĐT- Công an TP HCM đã có văn bản và chuyển tài liệu cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng để điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Ca nô BP12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ghi sai vật liệu kết cấu thân tàu. Hành vi sai phạm trong việc đăng kiểm ca nô BP12-04-02 không thể tách rời khi xử lý hành vi phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” nhưng không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã có văn bản và chuyển tài liệu cho Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân đề điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Như vậy, với kết luận này, cơ quan điều tra xác định, ca nô gặp tai nạn BP12-04-02 là tài sản Quốc phòng. Và thực tế, trong quá trình xác định nguyên nhân vụ tai nạn, giám định tư pháp, cơ quan điều tra không hề “đụng” đến vật chứng của vụ tai nạn là ca nô BP12-04-02 – tài sản Quốc phòng.
Điều này cũng được lý giải tại sao, trong hồ sơ vụ án có biên bản họp liên ngành CQĐT – VKSND- TAND TP HCM ngày 29/4/2014 với sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan tố tụng đã thống nhất việc giải quyết vụ án.
Liên ngành tố tụng của TP HCM thống nhất: Phương tiện gây tai nạn là tài sản của Quân đội. Các yêu cầu điều tra thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng, CQĐT Công an TP HCM không có thẩm quyền, không có khả năng điều tra làm rõ. Do đó, liên ngành thành phố thống nhất sơ kết vụ án đề nghị chuyển cho CQĐT Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra xử lý theo Thông tư 01/2005.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung số 372-25/KLĐTBS-PC01-Đ3 ngày 30/8/2018, lại cho rằng: Vũ Văn Đảo với tư cách là Giám đốc Công ty Việt Séc tổ chức đóng tàu bằng vật liệu PPC khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho việc thiết kế, đóng và đăng kiểm phương tiện có thân vỏ chế tạo bằng vật liệu PPC.
Ngày 29/3/2013, Vũ Văn Đảo ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 ca nô BP12-04-01 và BP12-04-02 (ca nô bị nạn).
Ngày 10/6/2013, Công ty Việt Séc làm lễ bàn giao 2 ca nô cho Biên phòng cửa khẩu Cảng Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng thực tế 2 phương tiện này vẫn neo đậu tại cầu phao của Công ty Việt Séc với lý do để lắp đặt thêm thiết bị.
Ngày 11/6/2013, Công ty Việt Séc đã nhận thanh toán bằng chuyển khoản tài trợ cho các doanh nghiệp, được ghi là tiền của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thanh toán mua tàu. Nhưng sau đó, Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu có vản bản gửi Công ty Việt Séc với nội dung cho rằng: Mới chỉ nhận được chứng nhận đăng kiểm của Cslloyd mà chưa có chứng nhận đăng kiểm của Việt Nam. “Bằng văn bản chúng tôi yêu cầu công ty khẩn trương cung cấp giấy chứng nhận giấy chứng nhận đăng kiểm để hoàn tất hồ sơ, giấy tờ cho tàu đi vào hoạt động chính thức”
“Trong thời gian bảy ngày tính từ ngày phát hành công văn này nếu Quý công ty không cung cấp được giấy tờ đăng kiểm tàu thì chúng tội buộc phải trả lại tàu và yêu cầu Quý công ty hoàn trả lại số tiền cho chúng tôi”, kết luận điều tra dẫn công văn của lực lượng Biên phòng.
Ông Vũ Văn Đảo khẳng định rằng mình bị oan sai |
Ngày 17/6/2013, Công ty Việt Séc đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét và sớm phê duyệt tài liệu đăng kiểm của Cộng hòa Séc cấp cho loại ca nô sản xuất bằng vật liệu PPC. Cục Đăng kiểm có văn bản trả lời rằng với nội dung không chấp thuận đăng kiểm cho tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu PPC….
Như vậy, sau 3 năm điều tra bổ sung, với cơ sở này, cơ quan tố tụng đã xác định, ca nô bị nạn đang thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Đảo. Và như vậy, ông Đảo đã có hành vi điều động ca nô và dẫn đến vụ tai nạn và đủ quy kết tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn (!?).
Quy kết này hoàn toàn trái ngược với quan điểm điều tra trước đó được ghi tại kết luận điều tra số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3 ngày 12/9/2014 là ca nô bị nạn là tài sản Quốc phòng.
Một điều đáng lưu ý, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB về việc sản xuất và đăng kiểm tàu thuyền bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC).
Một trong những quan điểm đưa ra trong văn bản mà Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ông Trần Kỳ Hình ký là phương tiện BP12-04-02 do Công ty Việt Séc sản xuất và đơn vị sử dụng là cơ quan cửa khẩu Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, việc đăng kiểm này thuộc quy định của Bộ Quốc phòng.
Thực tế phương tiện này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng. Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tài liệu này không được đưa vào kết luận điều tra bổ sung của vụ án.
Như vậy, 4 năm sau “kết luận điều tra”, quan điểm của cơ quan điều tra trong “kết luận điều tra bổ sung” đã thay đổi tạo nên sự mâu thuẫn trong quan điểm buộc tội của chính cơ quan điều tra.
Sự thay đổi này liệu có liên quan đến việc vụ án bị kéo dài do bế tắc (!?), liệu có liên quan đến việc trong 5 năm qua hai bị can liên tục kêu oan (!?)./.