Vấn nạn hàng giả hàng nhái vì sao vẫn lộng hành?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hàng giả, hàng nhái đang len lỏi vào thị trường một cách công khai. Nhiều người tiêu dùng luôn kêu ca về vấn nạn này nhưng lại dễ dàng chấp nhận, tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng vì lợi nhuận và giá cả rẻ hơn. Hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến nhiều doanh nghiệp chân chính điêu đứng bởi sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm của các lực lượng chức năng...
Một trong số những doanh nghiệp đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ nạn hàng giả hàng nhái là võng xếp Duy Lợi. Ít ai biết rằng công nhân của doanh nghiệp này hiện giảm chỉ còn 1/4 so với cách đây 3 năm. Theo ông Lợi, nguyên nhân là sản phẩm của công ty đã bị làm giả. Hàng giả ngấm ngầm tuồn vào thị trường khiến thị phần sụt giảm đáng kể, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Chung cảnh ngộ với võng xếp Duy Lợi, Công ty Nón Sơn cũng gánh nhiều thiệt hại bởi hàng giả, hàng nhái. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành của công ty này cho rằng, mặc dù đã dán tem chống hàng giả cho sản phẩm của mình, tăng cường tuyên truyền quảng bá cách nhận diện thương hiệu, nhưng kẻ xấu vẫn ngang nhiên tung ra những sản phẩm giả bày bán tràn lan...
Người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái hết sức khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Chỉ riêng 2 doanh nghiệp vừa nêu, lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục đối tượng, trong đó liên quan đến sản phẩm Nón Sơn phát hiện 10 trường hợp trong đó có 1 đối tượng đã bị xử lý hình sự 24 tháng tù. Mới đây công an còn bắt giữ thêm 2 đối tượng làm giả võng xếp của Duy Lợi.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TPHCM cho biết, hầu hết những vụ việc bắt giữ hàng giả đều có quy mô rất lớn và vi phạm rất nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra đang cố gắng tập trung làm rõ để đưa ra xét xử sớm để góp phần cảnh báo người tiêu dùng cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính..
Sản phẩm bị làm giả, nhái trở nên phổ biến đến mức tinh vi không chỉ ở những sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất mà còn ở cả những sản phẩm của nước ngoài phân phối tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì tồn tại quá nhiều bất hợp lý, như doanh nghiệp trong nước nhập hàng nước ngoài mang về phân phối nhưng sau đó làm giả, làm nhái rồi đi đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ trong nước.
Tình trạng này không phải là hiếm, do không có sự kiểm tra giám sát quyền sở hữu trí tuệ ngay từ đầu của cơ quan chức năng nên phát sinh nhiều hệ lụy rắc rối cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi bước vào "sân chơi quốc tế".
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành doanh nghiệp Nón Sơn mong muốn, doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm bị giả, bị nhái bị tổn thất quyền lợi nhưng khi trình báo đến các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ khi các cơ quan sát cánh và hỗ trợ cho doanh nghiệp thì vấn nạn này trong thời gian tới mới giảm.
Rõ ràng, chúng ta vẫn đang có nhiều công cụ để khống chế tình trạng hàng giả, hàng nhái nhưng những công cụ đó vẫn chưa phát huy được hết tác dụng đến thời điểm này.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn - ASEAN cho rằng, thực tế các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và đang phải "tự bơi" để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, kể cả vấn đề chiếm dụng sở hữu trí tuệ. Việc xử lý liên quan nhiều lực lượng nên rất chậm và nếu có xử lý được thì hầu như không đủ sức răn đe do vướng luật.
“Câu lạc bộ mong muốn có thể tham gia cùng Ban chỉ đạo 389 được giao quyền giám sát. Nếu khối doanh nghiệp phát hiện đơn vị nào làm, sử dụng hàng giả nhái sẽ tạm dừng hoạt động, yêu cầu cắt giấy phép và không được giao dịch cũng như không được các doanh nghiệp trong khối hỗ trợ”, ông Luận đề xuất.
Cơ quan chức năng cho biết, 10 tháng qua, cả nước đã phát hiện gần 4.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, bắt 300 đối tượng, xử lý hình sự 179 đối tượng. Điển hình như vụ thuốc chữa bệnh của Công ty VN Pharma, Võng xếp Duy lợi, Phân bón Thuận Phong và mới đây là mặt hàng tơ lụa của Khaisilk...
Hàng gian, hàng giả, hàng nhái tồn tại ngấm ngầm trong xã hội, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng uy tín của sản phẩm Việt trên thương trường. Điều đó cho thấy việc thực hiện đăng ký cũng như áp dụng luật sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp còn nhiều kẽ hở, bất cập nên khi phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn, chưa đủ sức răn đe.
Để phòng chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị cần rà soát lại việc cấp phép lưu hành sở hữu trí tuệ về logo nhãn hiệu, trong đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước cần nêu cao lòng tự tôn dân tộc đối với những sản phẩm thương hiệu Việt, đặc biệt phải nói không với hàng giả, hàng nhái...
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng TP HCM cho rằng, chống hàng giả hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nếu khi có phản ánh thông tin, các cơ quan có trách nhiệm tích cực phối hợp làm ngay sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm bớt thiệt hại, ông Thu nêu rõ.
Việt Nam đang hội nhập và tham gia nhiều hiệp định song phương cũng như đa phương về kinh tế, dự báo tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ còn phức tạp, tinh vi hơn. Việc triển khai chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới cần có hoạt động thiết thực nói đi đôi với làm.
Đặc biệt lực lượng chức năng cần duy trì liêm chính không chấp nhận bất cứ hành vi nào tiếp tay bảo kê cho các vi phạm thì công tác chống hàng giả, hàng nhái mới bền vững và đạt được hiệu quả như mong muốn./.