Tin 24h ngày 14/9/2024
Trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 13-9 đến 14 giờ ngày 14-9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa từ 20-50 mm.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 6 giờ tới (21 giờ 30 ngày 14-9), nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các khu vực.
Cụ thể, tỉnh Sơn La có địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên thuộc diện nguy cơ; Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, TP Lào Cai, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai); Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình (tỉnh Yên Bái); Bắc Quang, Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh (tỉnh Hà Giang); Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang)…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Cũng theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lúc 13 giờ ngày 14-9, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu 6,80 m, trên báo động 3 là 0,50 m; Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,23 m, dưới báo động 3 là 0,07 m; Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 5,40 m, trên báo động 2 là 0,10 m; Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,27 m, trên báo động 3 là 0,27 m; Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,19m, trên báo động 2 là 0,19 m.
Mực nước trên sông Thao (tại Yên Bái, Phú Thọ); trên sông Lô (tại Tuyên Quang, Vụ Quang), trên sông Hồng (tại Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội) đã xuống dưới mức báo động 1.
Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình có xu thế xuống chậm, phổ biến từ báo động 2 đến trên báo động 3, có nơi trên báo động 3.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện:
Thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 9-11 ngày, ven sông Tích khoảng 6-8 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.
Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng-Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.
352 người chết và mất tích do mưa bão, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc
Các lực lượng chắc năng tìm kiếm người bị mất tích |
Tính đến17h ngày 14/9, đã có 276 người chết và 76 người mất tích do bão số 3, lũ cuốn, sạt lở đất, sập cầu tại 18 tỉnh, thành phố.
Theo cập nhật của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính 17h ngày 14/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc làm 352 người chết và mất tích (276 người chết, 76 người mất tích).
Trong đó, Lào Cai là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người với 113 người chết, 59 người mất tích; tiếp đến là Cao Bằng 53 người chết, 5 người mất tích; Yên Bái 53 người chết, 1 người mất tích; Quảng Ninh 25 người chết; Hải Phòng 2 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Lạng Sơn 3 người chết; Tuyên Quang 5 người chết; Thái Nguyên 4 người chết; Phú Thọ 2 người chết, 9 người mất tích; Bắc Giang 2 người chết; Vĩnh phúc 2 người chết; Hà Giang 1 người chết, 1 người mất tích.
Các địa phương có 1 người chết gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa.
Mưa bão, sạt lở đất cũng làm 1.908 người bị thương. Trong đó: Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 49, Hải Dương 5, Hà Nội 23, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 82, Yên Bái 31, Cao Bằng 17, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 4, Hoà Bình 2, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hoá 2.
Cũng theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, đến nay có 168.253 nhà hư hỏng (tập trung tại: Quảng Ninh 102.467, Hải Phòng 40.065, Lào Cai 5.055, Lạng Sơn 3.568, Bắc Ninh 3.472, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 1.910...).
Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, 73.248 nhà bị ngập (tập trung tại: Yên Bái 21.451, Tuyên Quang 19.122, Lạng Sơn 6.945, Lào Cai 6.581, Hà Nội 6.521, Thái Nguyên 5.000, Ninh Bình 3.674, Nam Định 2.114)...
Đề nghị 21 tỉnh, thành đảm bảo an toàn chống lũ của đê khi vận hành trạm bơm tiêu
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND 21 tỉnh, thành phố gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, An Giang, Đồng Tháp và Long An về việc đảm bảo an toàn chống lũ của đê trong quá trình vận hành các trạm bơm tiêu qua đê.
Những ngày qua, tại Bắc Bộ liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ trên hầu hết các tuyến sông lên mức báo động 3, trên mức báo động 3 và còn duy trì ở mức cao trong những ngày tới; đồng thời, mưa lớn cũng gây ngập úng nội đồng, nhiều trạm bơm đang vận hành bơm tiêu úng qua đê.
Để đảm bảo an toàn chống lũ của đê, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị quản lý, vận hành các trạm bơm tiêu trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các trạm bơm tiêu qua đê thuộc phạm vi quản lý; chỉ vận hành bơm tiêu cưỡng bức ra sông theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đảm bảo an toàn chống lũ của đê.
Đồng thời tổ chức ứng trực 24/24h trong quá trình vận hành tiêu úng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn chống lũ của đê.
Các đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn chống lũ của đê do việc vận hành trái quy trình gây ra.
Miễn cước phí vận chuyển hàng cứu trợ đến các tỉnh, thành phố phía Bắc
Bưu điện tỉnh Cà Mau sẽ miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ của tất cả các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh gửi đi 13 tỉnh, thành phía Bắc đang chịu ảnh hưởng do bão Yagi. |
Từ ngày 11-21/9 Bưu điện tỉnh Cà Mau sẽ miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ của tất cả các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh gửi đi 13 tỉnh, thành phía Bắc đang chịu ảnh hưởng do bão Yagi.
Trước tình hình mưa bão, lũ quét, lũ cuốn đang diễn ra tại các tỉnh thành phía Bắc gây nhiều thiệt hại về người và của cho người dân. Các vùng chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu lương thực, thực phẩm. Nhằm hỗ trợ các cá nhân tổ chức mạnh thường quân trong tỉnh mang những phần quà nghĩa tình đến đồng bào phía Bắc. Thực hiện theo công văn của Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Bưu điện tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, Tỉnh Đoàn Cà Mau, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Thông tin truyền thông tổ chức chương trình hỗ trợ vận chuyển hàng miễn phí đến các vùng chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra.
Các tổ chức, cá nhân, đơn vị có thể đến bưu cục bưu điện huyện, thành phố gần nhất gửi các loại hàng nhu yếu phẩm ủng hộ bà con 13 tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Theo đó, Bưu điện tỉnh Cà Mau lưu ý, mỗi bưu kiện gửi đi không quá 30 kg và giới hạn kích thước cạnh dài nhất không quá 100 m. Để việc vận chuyển cứu trợ được thuận lợi, bưu điện khuyến khích người dân gửi những mặt hàng thiết yếu như đồ khô, quần áo, chăn màn, thuốc chữa bệnh, nước uống đóng chai nhựa. Hàng cứu trợ sẽ được bưu điện thu gom, gửi đến Hội Chữ thập đỏ 13 tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân. Thông tin liên lạc chi tiết, các tổ chức, cá nhân có thể đến bưu điện huyện thành phố gần nhất hoặc liên hệ chị Nguyễn Thuý Kiều, nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh Bưu điện tỉnh Cà Mau, số điện thoại 0918.212990.
Đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 10h ngày 14/9
Hồi 7h ngày 14/9, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 116,99 m, lưu lượng đến hồ 1.407 m3/s, lưu lượng xả 1.835 m3/s.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công điện số 6831/CĐ-BNN-ĐĐ về việc đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 10h ngày 14/9.
Hồi 7h ngày 14/9, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 116,99 m, lưu lượng đến hồ 1.407 m3/s, lưu lượng xả 1.835 m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang: Đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 10h ngày 14/9/2024.
Công ty tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang khi tiếp 1 cửa xả đáy vào hồi 10h ngày 14/9.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời các tình huống bất thường về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Sau khi đóng 1 cửa xả đáy trên, hồ thủy điện Tuyên Quang còn mở 1 cửa xả đáy./.
Đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng ở Hải Dương cao nhất trong 28 năm qua
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng qua địa bàn tỉnh cao nhất trong ngày 12/9, là mức cao nhất trong 28 năm qua. Hiện lũ ở các sông trên địa bàn tỉnh đang xuống chậm song vẫn ở mức cao.
Đỉnh lũ các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình và các sông khu hạ lưu đều xuất hiện trong ngày 12/9 nhưng khác thời điểm. Đỉnh lũ sông Thái Bình tại Phả Lại đạt mức 6,25 m vào lúc 18 giờ, cao hơn báo động III là 0,25 m; sông Gùa tại Nhá Nha đạt 3,18 m lúc 15 giờ 10, cao hơn báo động III 0,48 m; sông Kinh Thầy tại Bến Bình đạt 4,94 m lúc 17 giờ 30, cao hơn báo động III 0,44 m; sông Rạng tại Quảng Đạt ở mức 3,38 m lúc 16 giờ 30, cao hơn báo động III 0,48 m; sông Kinh Môn tại An Phụ đạt 3,64 m lúc 16 giờ 30, cao hơn báo động III 0,74 m. Riêng sông Luộc tại La Tiến đỉnh lũ đạt 5,1 m lúc 15 giờ ngày 11/9, cao hơn mức báo động II 0,4 m.
Đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng đạt cao nhất trong 28 năm qua (năm 1996 đỉnh lũ sông Thái Bình ở mức 6,52 m, sông Kinh Thầy 5,53 m, sông Rạng 3,41 m). Đỉnh lũ các sông Gùa, Kinh Môn vượt lũ lịch sử năm 1996. Riêng sông Luộc không có số liệu so sánh vì các năm trước điểm đo mực nước tại Bến Trại.
Đến sáng 14/9, mực nước các sông khu vực Hải Dương đã xuống nhưng biến đổi chậm. Lúc 7 giờ cùng ngày, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại 5,4 m, trên mức báo động II 0,4 m; sông Kinh Thầy tại Bến Bình 4,26 m, thấp hơn báo động III 0,24 m; sông Rạng tại Quảng Đạt 2,69 m, thấp hơn báo động III 0,21m; sông Gùa tại Bá Nha 2,45 m, thấp hơn báo động III 0,25 m; sông Kinh Môn tại An Phụ 2,94 m, cao hơn báo động III 0,04 m; sông Luộc tại La Tiến 3,35 m, thấp hơn báo động I 0,85 m.
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước các sông Thái Bình, Kinh Thầy xuống chậm, sông Luộc đang xuống, các sông khu vực hạ lưu biến động theo ảnh hưởng của thủy triều. Lũ trên sông vẫn ở mức cao kết hợp triều cường có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, các hoạt động giao thông, nuôi thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông. Ngoài ra, còn có khả năng làm xuất hiện các sự cố đê điều.
Lời khai người gửi tiền vụ "anh em Rạp Xiếc Trung ương ủng hộ 10.000 đồng" cho đồng bào bị bão lụt
Khi biết tin dư luận xã hội phản ứng tiêu cực về việc này, anh Đ. đã chủ động gọi điện thoại đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam để xin lỗi. |
Lập nhóm chát cùng các bạn với tên "Rạp xiếc trung ương", N.M.Đ., sinh viên tại một trường đại học, đã tự chuyển khoản ủng hộ 10.000 đồng với nội dung kèm theo "tập thể anh em rạp Xiếc Trung ương ủng hộ"
Tối 13-9, Công an TP Hà Nội thông tin về kết quả xác minh vụ "Liên đoàn Xiếc gửi 10.000 đồng ủng hộ bão lũ", gây xôn xao mạng xã hội.
Theo Công an TP Hà Nội, chiều cùng ngày 13-9, Phòng An ninh Chính trị, nội bộ Công an TP đã xác minh và mời anh N.M.Đ. (21 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) đến làm việc để làm rõ hành vi liên quan vụ "tập thể anh em Rạp Xiếc Trung ương ủng hộ 10.000 đồng" cho đồng bào bị bão lụt. Tại cơ quan công an, anh Đ. tường trình từ năm 2022, bản thân với một số bạn học lập một nhóm chat trên Facebook với tên gọi "Rạp xiếc trung ương" nhằm mục đích học tập và không liên quan gì đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Khi có thông báo ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, anh Đ. đã tự chuyển khoản ủng hộ 10.000 đồng với nội dung kèm theo "tap the ae rap xiec trung uong ung ho" nhưng không thông báo, trao đổi với các thành viên nhóm.
Khi biết tin dư luận xã hội phản ứng tiêu cực về việc này, anh Đ. đã chủ động gọi điện thoại đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam để xin lỗi.
Công an TP Hà Nội đã lập biên bản nhắc nhở, răn đe đối với sinh viên N.M.Đ., đồng thời trao đổi với nhà trường để tăng cường công tác quản lý sinh viên trong thời gian tới.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đăng tải sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, một số người dân thấy có tài khoản gửi 10.000 đồng có ghi "Tập thể anh em Rạp Xiếc Trung ương ủng hộ".
NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết ông và các nghệ sĩ đang tham gia cuộc thi Xiếc quốc tế không biên giới ở Nga và rất bức xúc. Ông cho hay đây là hành động bôi nhọ.
Bộ VH-TT-DL cho rằng thông tin liên quan số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong đó Rạp xiếc Trung ương ủng hộ 10.000 đồng là xuyên tạc, sai sự thật
Bộ Văn hóa VH-TT-DL chiều 13-9 đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đề nghị xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Công an Hà Nội khẳng định thông tin Liên đoàn Xiếc Việt Nam ủng hộ 10.000 đồng là không đúng sự thật. Liên đoàn đã liên hệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngân hàng tiếp nhận chuyển khoản để kiểm tra và đính chính thông tin trên phương tiện truyền thông.
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, cần có nhận thức đúng đắn, hành vi ứng xử theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam; không thực hiện các hành vi lan truyền thông tin không chính thống, sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm, công khai việc lợi dụng thiên tai thu lời bất chính
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá; công khai hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai thu lời bất chính, gây tác hại đến nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng yêu cầu thực các bộ ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các loại vật tư, sinh phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhất là các hộ gia đình tại các khu vực đang bị cô lập, khó tiếp cận.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục ngay các nhà ở của dân, trường học, bệnh viện, các loại đồ dùng học tập bị hư hỏng do bão gây ra; khẩn trương giải tỏa cây xanh gãy, đổ trên các tuyến đường; khắc phục kịp thời các sự cố về điện, nước sạch, viễn thông,… để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.
Kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường
Thủ tướng giao Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát diễn biến thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhu cầu học tập, chữa bệnh và đời sống của nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt; chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công thương chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, giáo dục tăng cường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến các vùng hiện đang bị chia cắt, cô lập, khó khăn, thiếu thốn...
Cùng với đó thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các cháu học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá; công khai hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, gây tác hại đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh.
Với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng lưu ý việc chỉ đạo các đơn vị chức năng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo Tổng cục dự trữ Nhà nước khẩn trương chủ trì, kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, xuất cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất khử trùng, khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí trong việc thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện thị trường hàng hóa trong nước, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận...