Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3
Trước khi vào phiên họp, trước tình trạng mưa bão, sạt lở, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản đối với các tỉnh phía Bắc, Hội nghị đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: mặc dù là ngày nghỉ nhưng Chính Phủ vẫn tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương bởi đây là việc làm cấp bách để giải quyết những vấn đề khắc phục hậu quả sau bão vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, vì cuộc sống của nhân dân để đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo chỉ đạo thời gian qua và có những giải pháp để khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Cơn bão Yagi có tính lịch sử trong vòng 70 năm qua với cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều gây hậu quả rất nghiêm trọng cả người và tài sản, vật chất và tinh thần. Thủ tướng đã chỉ rõ 4 nội hàm tại hội nghị là khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục lại sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.
Theo thống kê, đến sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết. Tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Đặc biệt hoàn lưu sau bão đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc.
Tại Thái Nguyên, theo thống kê sơ bộ, đến ngày 14/9 mưa bão đã làm 4 người chết, trên 25.800 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trên 9.000 ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập, hư hỏng, 138 điểm sạt lở, nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân bị hư hỏng, môi trường bị ảnh hưởng do ngập lụt, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 700 tỷ đồng.
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Tại hội nghị lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương là các địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thiệt hại, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3. Đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các địa phương, các lực lượng công an quân đội đã khẩn trương, nhanh chóng, tích cực, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ. Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân và bày tỏ xúc động khi đi đâu cũng thấy một tinh thần "người dân rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được lan tỏa mạnh mẽ.
Trên cơ sở thảo luận, Thủ tướng Chính phủ yêu các bộ, ngành địa phương tổng hợp thiệt hại, kiến nghị đề xuất gửi về Trung ương để ngay trong ngày 16/9 Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả cón bão số 3, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định đời sống của người dân. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%. Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kịp thời có phương án phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe và ổn định đời sống của nhân dân. Trong đó, tập trung cao độ công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu chỗ ở, thiếu nước uống, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; khẩn trương hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng bão, lũ; sớm khắc phục sự cố điện, nước sạch, viễn thông và các lĩnh vực thiết yếu khác phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời khẩn trương rà soát, gia cố những vị trí xung yếu, ứng phó hiệu quả các ảnh hưởng của hoàn lưu bão như mưa lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra. Thủ tướng kêu gọi các bộ ngành, địa phương và nhân dân cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạn nạn, khó khăn để tất cả người dân các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 sớm ổn định cuộc sống./.