Rừng vẫn mất, tiền bảo vệ rừng bị chính Ban quản lý trục lợi
Tiếp tục đề cập những bất ổn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai, chúng tôi nhận thấy rằng, tham nhũng tiền quản lý, bảo vệ rừng đang là vấn đề đáng báo động.
Phải chăng, tiền bảo vệ rừng đã và đang là miếng mồi ngon cho hành vi tham nhũng và đang có sự buông lỏng trong quản lý nguồn ngân sách này.
Rừng tại khu vực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa bị phá tan hoang, trong khi đơn vị này có dấu hiệu tham nhũng hàng tỷ đồng. |
Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa là đơn vị mới nhất bị Thanh tra tỉnh Gia Lai phanh phui sai phạm tài chính và có dấu hiệu tham nhũng gần 5,4 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2018. Điển hình, đơn vị này hợp đồng với ba hộ dân ở xã Hải Yang, xã Đăk Sơ Mei và xã Hà Đông để nuôi dưỡng khoảng 100ha rừng với số tiền 453 triệu đồng. Nhưng xác minh thực tế thì 3 hộ dân này chỉ thực nhận số tiền 43 triệu đồng.
Lập chứng từ khống, chi tiền không theo hợp đồng cũng được phát hiện trong các hạng mục thuê, khoán chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng, làm đường ranh cản lửa hay phát, đốt rừng có điều khiển tại Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.
Hàng loạt người dân địa phương được Ban quản lý đưa vào danh sách nhận tiền để làm công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, nhưng qua xác minh thì các hộ đều khẳng định không biết, không nhận tiền và cũng không phải chữ ký của họ.
Ông Nguyễn Hồng Quân, người vừa đảm nhận vị trí Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa cho biết, sai phạm tại đơn vị liên quan đến 7 cá nhân. Theo kết luận cũng như quyết định của Thanh tra, Ban đang tích cực triển khai các bước để thu hồi số tiền sai phạm cũng như xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan.
“Theo quyết định 130, trong 25 ngày, đơn vị phải thu hồi số tiền là 4,7 tỷ đồng. Đã có các văn bản của UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở đã chỉ đạo lại cho đơn vị triển khai các hình thức thu hồi số tiền từ những người liên quan. Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan, tôi đã tổ chức 3 cuộc họp cơ quan, đã mời những người nguyên là lãnh đạo đơn vị tới để bàn biện pháp khắc phục thanh tra”.
Tương tự như ở Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa nhưng quy mô lớn hơn là tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai với số tiền có dấu hiệu tham nhũng lên đến hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn 2001-2017. Điển hình, giai đoạn này, đơn vị này được giao trồng và chăm sóc 717ha với số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai chỉ trồng và chăm sóc gần 280ha, ít hơn 80ha so với diện tích bị cháy và bị lấn chiếm là 360ha.
Dấu hiệu tham nhũng cũng diễn ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và rừng tại đây cũng chịu chung số phận "tan hoang". |
Rừng bị phá thuộc Ban quản lý rừng Ia Grai. |
Thiệt hại và lãng phí tài sản nhà nước tương ứng với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng. Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã tiến hành giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng không đúng đối tượng, không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn thanh toán tiền giao khoán với số tiền 4,1 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu Ban quản lý rừng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhờ ký hộ các thủ tục hoặc giả mạo chữ ký trên các phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thừa nhận, ngành đã có sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài khiến sai phạm về tài chính ở các Ban quản lý rừng diễn ra tràn lan và nhiều trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Thanh tra toàn diện các Ban quản lý rừng trong thời gian tới và Sở đang tích cực phối hợp để phát hiện cũng như chấn chỉnh hành vi tham nhũng: “Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới xúc tiến kiểm tra, thanh tra các Ban quản lý rừng còn lại và các công ty lâm nghiệp. Về vấn đề này, Sở cũng đã kịp thời triển khai cho các Ban đã, đang được thanh tra, kiểm tra cũng như chuẩn bị có kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra thì các Ban quản lý rừng phải nghiêm túc xử lý ngân sách nhà nước để phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng đúng theo quy trình Luật ngân sách, cũng như các quy định của ngành nông nghiệp. Hạn chế những thiếu sót dễ dẫn đến tham nhũng”.
Bà Trần Thùy Thanh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, số tiền sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng tại các Ban quản lý rừng chủ yếu là từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo bà Thanh, bất cập là trong khi các Ban quản lý rừng đã có nguồn ngân sách dùng cho chi thường xuyên thì hàng năm vẫn được cấp số tiền rất lớn từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Cùng với sự buông lỏng quản lý của ngành chủ quản thì các quy định về quản lý thu chi đối với nguồn tiền này cũng chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho các Ban quản lý rừng dễ dàng để tham nhũng.
“Tiền dịch vụ môi trường không phải là ít. Nhiều Ban quản lý được chi tiền này rất là nhiều nhưng quy định về chi lại không rõ ràng. Tiền này đơn vị có thể dùng để giao khoán bảo vệ rừng hoặc không giao khoán thì có thể sử dụng cho hoạt động của đơn vị. Nhưng chi như thế nào, nội dung chi lại không nói rõ. Trong quá trình thanh tra chúng tôi thấy nhiều Ban quản lý chi tiền này vô tội vạ. Mà cái này không quy định rõ ràng đã tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh”, bà Trần Thùy Thanh cho biết.
Rừng bị phá thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh |
Dù chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực hiện đến nay được 8 năm, nhưng ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Gia Lai vẫn cho rằng đây là một chính sách mới và quá trình triển khai dễ dẫn đến bất cập, sai phạm. Ông Hạnh cũng thừa nhận, là đơn vị kiểm soát quá trình thu- chi đối với nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng Quỹ không thể kiểm soát khi tiền đã chuyển về cho các Ban quản lý rừng. Lúc ấy, tiền có chi cho quản lý, bảo vệ rừng hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ, lãnh đạo các Ban quản lý.
“Căn cứ kế hoạch phân bổ hàng năm thì đơn vị xây dựng kế hoạch nhiệm vụ chi để thực hiện. Để triển khai từng nhiệm vụ chi này thì trách nhiệm thuộc về chủ rừng, thủ trưởng đơn vị. Còn triển khai nhiệm vụ chi này đến mức độ nào, đúng hoàn toàn hay một phần thì đó là trách nhiệm của chủ rừng. Và sai phạm thì chỉ qua Kiểm toán và thanh tra nhà nước mới phát hiện được”, Giám đốc Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Gia Lai Võ Văn Hạnh nói.
Tỉnh Gia Lai hiện có 22 Ban quản lý rừng với tổng diện tích gần 330.000ha. Rừng thì rộng bao la, các công trình, hạng mục lại khó có thể kiểm tra, kiểm chứng. Trong khi đó, nguồn tiền đưa về cho các Ban quản lý rừng dồi dào và còn có thể chi tùy ý. Dễ hiểu vì sao các Ban quản lý rừng tại Gia Lai lại có thể dễ dàng tham nhũng hàng chục tỷ đồng chi cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.
Và có lẽ, thực trạng này không chỉ có riêng tỉnh Gia Lai. Do đó, điều cần thiết là Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần sớm có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, tránh để tham nhũng có điều kiện phát sinh tràn lan tại các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng như tại tỉnh Gia Lai thời gian qua./.