Quốc hội thảo luận về huy động, quản lý nguồn lực chống dịch COVID-19
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 |
Thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nêu rõ: nguồn lực thực hiện giai đoạn 2020-2022 có quy mô khoảng 613 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng trên 435 nghìn tỷ đồng; thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47 nghìn tỷ đồng. Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát rất đúng và kịp thời; Để hoàn thiện báo cáo giám sát nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm đến chế độ chính sách, đãi ngộ và phụ cấp với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; Cũng như sau đại dịch, nhiều lực lượng tích cực tham gia phòng chống dịch chưa được hỗ trợ, động viên kịp thời.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tới đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế. Vẫn tồn tại nhiều còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng và y tế cơ sở vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.
Một số ý kiến cho rằng Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc thành lập trạm y tế lưu động và bệnh viện dã chiến thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuy nhiên cũng đề nghị cần có hướng dẫn về việc giải thể, xử lý tài sản khi giải thể./.