Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Toàn cảnh kỳ họp. |
Trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Trong đó, quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại kỳ họp. |
Góp ý cụ thể về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng như dự luật là phù hợp với Bộ luật Lao động. Trong đó đã chú trọng tới việc quy định cho từng đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Nhóm còn lại (thượng tá, đại tá) hiện bằng độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động cũ (nam 60, nữ 55). Vì vậy, khi Bộ luật Lao động mới tăng tuổi hưu thì nhóm này cũng phải tăng tương ứng để đảm bảo đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất: "Tôi xin đề xuất 1 phương án trung hòa để Quốc hội cân nhắc như sau: Theo Bộ luật Lao động hiện nay thì năm 2023 tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi. Vì vậy, ta sẽ chia việc tăng tuổi phục vụ sĩ quan cấp đại tá, thượng tá trong luật thành 2 bước. Bước 1 là tăng ngay khi luật có hiệu lực phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên 1 năm. Tương tự như việc tăng ngay 2 tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan khi luật có hiệu lực để đồng bộ hóa với độ tuổi về hưu năm 2023 chung là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi. Bước 2 là từ các năm sau trở đi, tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Như vậy, nếu thực hiện theo phương án trên thì sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu nên không vi phạm điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng đặc thù".
Liên quan tới vấn đề bình đẳng giới, đồng chí Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu của nữ đại tá và thượng tá công an sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 đại tá công an nhưng không có người nào là nữ; trong 105 thượng tá công an có 5 người là nữ, vì vậy việc tăng độ tuổi đối với cấp nữ thượng tá và đại tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian cho các nữ lãnh đạo trong ngành công an; không phải chỉ là 6 đồng chí như hiện nay mà sẽ tăng lên. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có 1 nữ thượng tướng Thứ trưởng Bộ Công an trong thời gian tới".
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.