Quốc hội thảo luận về các Dự án Luật
Tại tổ thảo luận số 7, gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật. |
Trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các báo cáo cho thấy, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Tại tổ thảo luận số 7, gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật. Nêu ý kiến về các nội dung trong dự án Luật, các đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm doanh nghiệp; đề nghị Dự thảo luật cần đồng bộ để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho hay: "Nhà ở phải gắn liền không tách rời với quyền sử dụng đất trong khi quy định của Luật phải được cơ quan có thẩm quyền cấp. Quy định Luật Nhà ở cũng quy định khi chúng ta mua nhà ở đơn lẻ hoặc nhà chung cư sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất có nghĩa là ngay trong nội tại của Luật Nhà ở mâu thuẫn nhau".
Cho ý kiến liên quan tới vấn đề quỹ đất xây dựng dự án nhà ở tái định cư được quy định trong điều 52 của Dự án Luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị cần bổ sung các quy định hơn nữa để đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ về mặt pháp lý.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị: "Thực tiễn ở địa phương cho thấy với điều 52 nên quy định thêm 1 khoản nữa, chặt chẽ và cũng giải quyết được những vấn đề đang phát sinh ở thực tiễn; để trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư. Việc bổ sung trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án cần quỹ đất để phục vụ tái định cư, là điều quan trọng để đồng bộ với điều 50 của dự thảo Luật".
Các ý kiến đại biểu cũng đề nghị rà soát các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đối chiếu với các loại quy hoạch đang thực hiện như quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh để đảm bảo hài hòa, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu cho biết, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến đã nêu trong phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức, quy định trong dự thảo luật cơ bản khắc phục được những vướng mắc hiện tại. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng.
Trong chương trình làm việc buổi chiều, phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng đặt ra các quy định để hạn chế sở hữu chéo của doanh nghiệp đối với ngân hàng là cần thiết, tuy nhiên việc áp dụng tùy tiện có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 5% xuống 3% đối với cổ đông cá nhân; từ 15% xuống 10% đối với cổ đông tổ chức.
Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị: "Thực tế hiện nay khi chúng ta đặt ra những rào cản pháp lý về mặt kỹ thuật để giảm bớt sở hữu chéo thì có thể dẫn tới bóp nghẹt sự cung ứng tiền cho nền kinh tế. Chính vì vậy, tôi đề nghị đánh giá lại và xem lại mức giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong quy định của điều 55 cho phù hợp và đảm bảo việc ngăn chặn sở hữu chéo nhưng cũng vừa đảm bảo kích thích phát triển nền kinh tế".
Về giới hạn cấp tín dụng quy định tại dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần xem xét, cân nhắc lại mức giảm giới hạn cấp tín dụng, đảm bảo giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng nhưng tránh gây giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế./.