Quảng Nam bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu để làm du lịch
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi. Đây là nơi sinh sống của 19 dân tộc thiểu số với khoảng 120.000 người. Trong chiến lược bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, địa phương đặt ra mục tiêu cơ bản là bảo vệ khẩn cấp các giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một, phát huy những di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
Điệu tăng tung da dá của người Cơ Tu. |
Làng Bhờ Hôồng, xã sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong những ngôi làng lâu đời của đồng bào Cơ Tu. Cũng như nhiều ngôi làng khác, nhà Gươl được xây dựng tại trung tâm của làng. Đây là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của cộng đồng làng. Hết mùa rẫy, những người đàn ông trong làng đến đây đan lát. Đàn ông Cơ Tu nổi tiếng là những người siêng năng và khéo tay. Nghề đan lát của người Cơ Tu được truyền từ đời này sang đời khác; phải mất cả tháng, thậm chí là nhiều tháng, những người đàn ông trong làng mới làm xong một chiếc gùi.
Ngôi làng nằm sát Quốc lộ 14G này luôn giữ được dáng vẻ truyền thống của người Cơ Tu, thu hút nhiều du khách ghé thăm. Những vật dụng thủ công tinh xảo do người Cơ Tu làm, trở thành món quà kỷ niệm đối với du khách. Chính điều này đã khích lệ người Cơ Tu làm ra nhiều sản phẩm để vừa tạo thu nhập, vừa giữ được nghề truyền thống của đồng bào. Ông B’riu Như, làng Bhờ Hôồng, xã sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh việc hướng dẫn cho lớp trẻ biết cách đan lát, gùi cõng, thế hệ đi trước còn truyền dạy những lời ca, điệu múa để phục vụ du khách.
Làng văn hóa Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. |
Cũng tại ngôi làng Bhờ Hôồng, âm nhạc luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Cơ Tu. Những nghệ nhân như ông A Lăng Bảy có thể sử dụng cả chục nhạc cụ truyền thống ngay trong lúc đan lát. Kho tàng nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu có nhiều loại. Biểu diễn trong lao động là cách truyền dạy, bảo tồn âm nhạc truyền thống hiệu quả nhất.
Với đồng bào Cơ Tu, âm nhạc đã ngấm vào máu của mỗi người. Hát lý, nói lý là hình thức hát đối đáp rất độc đáo của cộng đồng người Cơ Tu.
Với lối ứng tác, sáng tác tại chỗ, mượn hình ảnh ẩn dụ với hàm ý rất lịch thiệp là cách giao tiếp khá phổ biến với những người lớn tuổi. Còn với trai gái trong làng, hát lý là cách tỏ tình sâu kín nhất, hiệu quả nhất. Nhờ hát lý, nói lý mà những hiềm khích giữa làng này với làng khác được hóa giải.
Chính nét độc đáo rất riêng mà hát lý, nói lý Cơ Tu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa cấp quốc gia vào năm 2015. Nghệ nhân Bhling Bló ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Từ lâu chúng tôi đã có ý thức khôi phục lại bản sắc của dân tộc Cơ Tu Còn từ khi có Nghị quyết của Trung ương về khôi phục lại, bảo tồn bản sắc của dân tộc, chúng tôi luôn luôn gìn giữ nét đẹp của tiếng Cơ Tu, nét đẹp văn hóa của đồng bào".
Đàn ông Cơ Tu giỏi đan lát. Sản phẩm này trở thành quà lưu niệm đối với du khách. |
Nhờ biết truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác nên đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam phần nào giữ được bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng. Không chỉ có cồng chiêng hay đan đát, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu nay cũng được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Vài năm trở lại đây, khi du lịch được kết nối giữa đồng bằng với miền núi, sản phẩm dệt của phụ nữ Cơ Tu trở nên hút hàng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư hệ thống giao thông để du khách đến được với những ngôi làng ở tận vùng sâu, vùng xa. Tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế gọi tắt là (FIDR) của Nhật Bản và UBND huyện Nam Giang phối hợp triển khai dự án du lịch cộng đồng và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Với sự trợ giúp của dự án, người Cơ Tu ở xã Tà Bhing đã học cách làm du lịch cộng đồng. Những phụ nữ dệt thổ cẩm bây giờ là những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Du khách đến đây được thưởng thức ẩm thực truyền thống của cư dân địa phương và hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống. Mỗi năm có cả vạn lượt khách đến với những ngôi làng văn hóa Cơ Tu này. Cộng đồng làng ở đây thu về gần 1 tỷ đồng....
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Bảo tồn, gìn giữ văn hóa là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn của huyện. Thời gian vừa qua đã có nhiều việc làm hết sức thiết thực. Trước hết, ở các cấp cũng đã chủ động xây dựng được các sản phẩm tại địa phương. Đặc biệt là đồng bào dân tộc Cơ Tu hiện nay cũng đã có nhiều sản phẩm đã triển khai và thực hiện. Ngoài sự chủ động của địa phương thì chúng tôi cũng đã tranh thủ được nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Trước hết là khâu tổ chức, định hướng các sản phẩm và kết nối được sản phẩm với tour du lịch trong tỉnh".
Để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam nói chung, đồng bào Cơ Tu nói riêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã triển khai một số dự án hỗ trợ như: Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số…
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tập trung vào những vấn đề như: phục hồi, xây dựng các nhà làng truyền thống, các nhà gươl, củng cố, kiện toàn và phát huy hơn nữa đội cồng chiêng; tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng ra hơn nữa mô hình chữ viết, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số"./.