Khi vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phát huy
Phát huy vai trò tham mưu
Đề cập về kết quả triển khai công tác QP, QS ở các bộ, ngành Trung ương, Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu)-Thủ trưởng Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng (Bộ Quốc phòng) ở bộ, ngành Trung ương, địa phương khẳng định, thời gian qua, Ban CHQS các bộ, ngành Trung ương đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng, cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức quán triệt, ban hành đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, bộ, ngành, cơ quan quân sự địa phương liên quan về công tác QP, QS. Các văn bản đã cụ thể hóa sát thực tế với đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực và cơ quan, đơn vị.
Mặc dù là năm đầu nhiệm kỳ, song việc rà soát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (BDKTQPAN) ở các bộ, ngành Trung ương đã được triển khai tích cực, phương pháp linh hoạt, sáng tạo. Chỉ tính riêng năm 2016, trên toàn quốc đã mở 3.430 khóa BDKTQPAN cho 418.755 đồng chí thuộc các đối tượng, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư, chủ tàu, thuyền... Các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở dạy nghề thuộc bộ, ngành quản lý thực hiện tốt môn học GDQPAN cho học sinh, sinh viên. Thiếu tướng, NGND, TS Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Để triển khai môn học GDQPAN hiệu quả, Bộ đã thường xuyên phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương tăng cường chỉ đạo các địa phương, ngành giáo dục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN, chỉ đạo tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ cho GDQPAN tại các nhà trường. Đến nay, cơ bản các trường công lập đã bố trí đủ giáo viên GDQPAN, nhiều trường THPT đã có đủ giáo viên chuyên trách và tổ chức dạy học theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Sinh viên luyện tập Điều lệnh đội ngũ tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 1. Ảnh: Duy Hồng |
Các bộ, ngành Trung ương đã thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền kiến thức QPAN. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho gần 250 đồng chí cán bộ, phóng viên, biên tập viên thuộc 100 cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương và báo ngành trên phạm vi toàn quốc để nâng cao nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP, QS. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn dân đối với việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gắn phát triển KT-XH với QPAN
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, hướng dẫn của quân khu, cơ quan quân sự địa phương liên quan, hằng năm, các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án của bộ, ngành gắn với củng cố, tăng cường QPAN. Đồng thời, chỉ đạo tốt việc thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH trên từng vùng, miền, địa phương, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm QPAN, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, dự án góp phần quan trọng để phát triển KT-XH với tăng cường QPAN, nhất là các tuyến giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch kết hợp quân dân y, phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y tại các vùng biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm về QPAN để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham gia cùng Bộ Quốc phòng, bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo theo Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn 3, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới, các dự án thuộc chương trình Biển Đông, hải đảo, dự án sắp xếp ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, Việt Nam - Cam-pu-chia. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư thực hiện tốt các nhiệm vụ trên biển, phối hợp tuần tra chung khu vực vịnh Bắc Bộ theo hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ tư lệnh Hải quân xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền thực hiện các chương trình trong Đề án tuyên truyền về biển, đảo và chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, dự án Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức 27 cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa nhằm khẳng định bằng chứng lịch sử và pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu hàng chục đề tài, vừa phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, vừa phục vụ nhiệm vụ QPAN.
Đồng chí Bùi Đình Nghiểm, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Chánh văn phòng Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho hay: “Quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đối ngoại kết hợp với củng cố, tăng cường QPAN là một yêu cầu thiết yếu bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả của sản xuất kinh doanh vận tải hàng không. Do đó, từ lãnh đạo, nhân viên tổng công ty và các cơ quan, đơn vị, các công ty luôn tích cực học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung liên quan đến công tác QP, QS”.
Phát huy tính chủ động
Để tránh bị động, bất ngờ, nhiều Ban CHQS bộ, ngành Trung ương đã tham mưu cho cấp ủy Ban cán sự Đảng và người đứng đầu chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở xây dựng và điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch theo quy định. Các bộ, ngành và các đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý tích cực thực hiện nhiệm vụ QP, QS địa phương theo chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương, tích cực tham gia diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp huyện và phòng thủ dân sự địa phương nơi đặt trụ sở. Cùng với đó, các bộ, ngành đã chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên; quản lý nguồn nhập ngũ, chấp hành nghiêm công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hoàn thành 100% chỉ tiêu khám tuyển, giao quân hằng năm.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng, để công tác QP, QS thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, Ban CHQS các bộ, ngành Trung ương cần tham mưu giúp cấp ủy, người đứng đầu tập trung chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác QP, QS. Trong quá trình triển khai, các bộ, ngành cần tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục; kết hợp tốt giữa quán triệt thường xuyên với tổ chức học tập và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chính trị tại cơ quan, tổ chức. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác quốc phòng./.