Hà Nội: Nhiều cây xanh khi bật gốc mới biết không còn bộ rễ
Ngày 11/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016, triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2017.
Lo ngại cây mới trồng bị giông lốc quật đổ
Báo cáo tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ - Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Hà Nội - cho biết, qua các đợt mưa bão trong năm 2016, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 3.000 cây xanh gãy đổ. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2017, ông Mỹ đề nghị Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, phát hiện và kịp thời chặt hạ những cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn khi có mưa bão.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội - nêu hàng loạt lo ngại những cây xanh mới trồng và cây lâu năm có thể đổ gãy trong mùa mưa bão.
Hàng loạt cây mới trồng trên địa bàn thành phố, dù được chằng chống cẩn thận nhưng vẫn có nguy cơ bị đổ trong mùa mưa bão sắp tới |
Đánh giá về chương trình 1 triệu cây xanh đang triển khai trên địa bàn thành phố, ông Trung cho biết, có nhiều cái tốt, hữu ích được nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng không phải là nhỏ. Ông Kiên đưa ra ví dụ cụ thể, trong năm 2016, mỗi đêm lực lượng công nhân đơn vị này trồng từ 700-800 cây trở lên, điều này gây áp lực lên công ty cây xanh rất lớn. Điển hình trong đó là việc đảm bảo các cây mới trồng có đường kính từ 20-25 cm, nằm ở dải phân cách giữa không đổ vào mùa mưa bão.
“Những cây mới trồng có đường kính 20-25 cm, nằm ở dải phân cách giữa, rễ chưa mọc sâu, nếu gặp gió giật cấp 11- 12 vào quần thảo từ 2- 3 tiếng là điều chúng tôi rất lo lắng trong mùa mưa bão năm nay”, ông Vũ Kiên Trung nói.
Vì vậy, Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội đã xin ý kiến UBND TP Hà Nội cho đóng cọc thép (sâu xuống đất 1 m) chằng chống những cây mới trồng có đường kinh lớn. Theo ông Trung về mặt cơ học thì những cọc thép này tương đối chắc chắn, thế nhưng khi gặp gió giật cấp 11-12 thì cũng khó chống đỡ được những cây có đường kính lớn.
Cây đổ được trồng thay thế sau 5 ngày
Đối với những cây lâu năm, trên địa bàn 4 quận nội thành, ông Trung chỉ rõ những tồn tại đang gặp phải là bị xâm hại bộ rễ khi thi công vỉa hè, mặt đường, làm cống ga thoát nước… “Năm vừa rồi, rất nhiều cây bị đổ, chúng tôi đến giải tỏa thì gần như không có tí rễ nào”, ông Trung nói và cho biết thêm, nguồn nước ngầm của Hà Nội ô nhiễm lớn, dẫn đến hiện tượng cây thối rễ rất nhiều và có thể đổ bất cứ lúc nào.
Trước những vấn đề trên, ông Trung kiến nghị UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai yêu cầu các quận huyện cử lực lượng thường xuyên kiểm tra các công trình thi công vỉa hè, lòng đường, nếu phát hiện xâm hại rễ cây xanh thì phải yêu cầu chấm dứt ngay.
Ông Vũ Kiên Trung cho biết, cây xà cừ bị đổ ở trường Chu Văn An mới đây cũng không bộ rễ |
Ngoài việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trong mùa mưa bão, ông Vũ Kiên Trung còn đề nghị Sở Xây dựng và UBND các quận huyện mạnh dạn chặt bỏ những cây sâu mục và đưa ra phương án thay thế cây khác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, qua 2 cơn bão số 1 và số 3 trong năm 2016, trên địa bàn quận này có 110 cây xanh bị đổ, đè bẹp 5 ô tô. Từ kinh nghiệm phòng chống lụt bão năm 2016, năm nay quận Hoàn Kiếm đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Công viên cây xanh cắt tỉa và chặt hạ cây chết trước mùa mưa bão.
Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2017, sở này sẽ ưu tiên xử lý các cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân. Trường hợp có cây đổ trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng cũng cho xử lý ngay các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, thu dọn các cây đổ, cắt tỉa cành, cây. Sở Xây dựng cũng đảm bảo việc trồng cây thay thế cây đổ sau 5 ngày.