Giữ đảo Chín Làng
Khẩu đội Pháo phòng không 37mm thuộc Đại đội 4 luyện tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo Chín Làng. |
Tiếng kẻng báo động vang lên gấp gáp như xé toang màn đêm se lạnh. Từ trong doanh trại dưới chân đồi, tiếng bước chân dồn dập cơ động ra trận địa. Khẩu lệnh “cấp 1” vừa dứt, các pháo thủ nhanh chóng thao tác, đưa nòng pháo vươn cao hướng ra phía biển. Gió sương khắc nghiệt cùng vị mặn mòi của biển khiến những chiến sĩ trẻ trở nên đen sạm, nhưng ánh mắt vẫn rực sáng dõi về hướng mục tiêu. Thượng úy Nguyễn Phúc Vàng, Chính trị viên Đại đội 4 Pháo phòng không 37mm chia sẻ: “Mặc dù đơn vị có khá nhiều chiến sĩ mới nhưng anh em vẫn tích cực luyện tập, không dao động tư tưởng. Đây là kết quả của chủ trương tuyển chọn thanh niên địa phương tham gia nghĩa vụ quân sự tại chỗ để bảo đảm thuận lợi trong huấn luyện, quản lý bộ đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Mấy năm trước, chiến sĩ của các đơn vị LLVT huyện đảo Phú Quý là thanh niên của nhiều huyện thuộc tỉnh Bình Thuận nên vào dịp lễ, Tết khó tránh khỏi tư tưởng nhớ nhà, nhớ bạn bè, người thân dẫn đến tình trạng xao lãng trong thực hiện nhiệm vụ trực những ngày lễ, Tết. Để khắc phục hạn chế đó, Ban CHQS huyện đã đề nghị cấp trên “địa phương hóa”, chủ yếu tuyển gọi thanh niên sở tại thuộc 9 làng (3 xã) làm nghĩa vụ quân sự. Anh em vừa thông thạo phong tục, tập quán trên đảo, vừa yên tâm huấn luyện bảo vệ quê hương. Binh nhì Nguyễn Ngọc Phú, pháo thủ số 1, Khẩu đội 2 (Đại đội 4) tâm sự: “Gia đình tôi ở ngay trên đảo. Đồng đội hầu hết là bạn bè cùng học phổ thông nên chúng tôi bảo ban, giúp đỡ nhau trong mọi công việc, cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Với tôi, bảo vệ đảo chính là bảo vệ gia đình mình để mọi người luôn có những ngày xuân vui tươi, ấm áp”.
Đó cũng là suy nghĩ của Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Trung đội 2 (Đại đội 1). Đây là năm thứ hai Hoàng tình nguyện đăng ký ở lại trực thay cho những đồng chí khác về nhà nghỉ Tết. Hoàng tâm sự: “Nhà tôi ở xã Ngũ Phụng, gần đơn vị nên ngoài ca trực, tôi chỉ cần xin phép chỉ huy giải quyết cho khoảng 2 tiếng đồng hồ là có thể về nhà chúc Tết, thăm hỏi người thân rồi trở lại đơn vị. Hơn nữa, nhiệm vụ tuần tra, trực chiến là quan trọng nhất. Đảo an toàn thì gia đình mình mới được yên vui”.
Trong ca trực đầu Xuân năm trước, khi Hoàng vừa hoàn thành nhiệm vụ canh gác thì nhận được lệnh tham gia cứu kéo tàu cá của ngư dân bị mắc cạn gần vịnh Triều Dương. Chưa kịp ăn uống, Hoàng nhanh chóng ra biển cùng trung đội "đánh vật" mãi mới kéo được chiếc tàu cập bến. Vừa về tới đơn vị thì tiếng kẻng chữa cháy bỗng vang lên hối hả. Khu rừng ở mép biển Long Hải bị cháy, Đại đội 1 lại có mặt triển khai lực lượng khống chế “bà hỏa” đúng ngày Mồng Một Tết. Trung tá Trần Đông Thành, Chính trị viên Ban CHQS huyện tếu táo: “Đầu năm gặp đỏ là hên, nhưng "đỏ" quá khiến anh em mất Tết, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng cơ động canh chừng “bà hỏa” mọi lúc, mọi nơi”.
Tuy khó khăn, vất vả, canh trực triền miên cả những ngày nghỉ, nhưng những người lính đảo vẫn lạc quan, hăng say luyện tập, bởi hơn ai hết những chiến sĩ nơi đầu sóng luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Trung tá Vũ Thọ Sinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Quý bộc bạch: “Vào dịp cuối năm, gió bấc thổi mạnh, cây cối khô rạc. Bởi vậy, cùng với việc tăng cường huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu phòng thủ biển, đảo, chúng tôi còn phải xây dựng và luyện tập thường xuyên phương án cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để làm chủ biển, đảo trong mọi tình huống”.