Độc đáo lễ rước người có một không hai tại Quảng Ninh
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, các dòng họ trên đảo Hà Nam (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) lại nô nức chuẩn bị lễ vật cho lễ hội độc đáo có một không hai đó là lễ hội rước người, còn gọi là lễ hội Miếu Tiên Công.
Lễ rước thọ diễn ra trong không gian đậm sắc màu văn hóa dân tộc |
Đây là lễ hội ít thấy ở các miền quê khác được tổ chức tại vùng đảo Hà Nam nơi có số lượng di tích dày đặc và những phong tục đậm chất làng Việt cổ.
Về nguồn gốc của lễ hội Tiên Công, các cụ cao niên trong vùng kể lại, những người con từ kinh thành Thăng Long xưa đi mở đất trên vùng đảo Hà Nam mênh mông sóng nước vào đầu thế kỷ XV, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn vất vả để quai đê lấn biển lập xóm, lập làng trù phú như ngày hôm nay. Sống giữa thiên nhiên dữ dội như vậy, việc có được sự trường thọ thật sự là quý báu đối với con người, điều này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nơi đây.
Ông Lê Văn Được, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh nói: “Lễ hội tiên công hay còn gọi lễ mừng thọ, là ngày hội lớn nhất trong năm của người dân vùng đảo Hà Nam. Lễ hội không chỉ là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc sinh tiền nhân đã có công lập làng, lễ hội còn là dịp để người dân chúng tôi thể hiện lòng thành kính, biết ơn cha mẹ”.
Sau lễ rước, các cụ Thượng vào Miếu Tiên Công và đọc văn tế tạ ơn công đức 17 vị Tiên Công, cầu Quốc thái dân an, địa phương ngày càng phát triển |
Người dân trên đảo có câu: Trời định bốn mùa lấy mùa xuân làm đầu/Người cầu năm phúc lấy tuổi thọ đầu tiên.
Chữ thọ trong hai câu thơ đó đã được cụ thể hóa bằng lễ hội Tiên Công ra đời vào thế kỷ XVII, đây là một lễ hội đặc sắc của người dân trên đảo Hà Nam để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ Tiên Công; tín ngưỡng trọng tuổi già; báo hiếu đến bậc ông bà, cha mẹ sinh thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong vùng. Lễ hội Tiên công còn là hoạt động giáo dục giới trẻ biết tôn trọng ông bà cha mẹ, nhớ tới công lao của 17 vị tiên công.
Em Trần Văn Hoàng, phường Yên Hải, thị xã Quảng yên chia sẻ: “Em thấy lễ hội tiên công rất ý nghĩa, lễ hội không chỉ nhắc nhở giới trẻ chúng em nhớ tới công lao của 17 vị tiên công mà còn giáo dục chúng em kính trọng những người có tuổi, biết ơn cha mẹ”.
Đúng ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, hội chính diễn ra, từ sáng sớm, đoàn rước các Cụ Thượng theo nhịp trống khẩu và tiếng nhạc của các phường bát âm, tiến về Miếu Tiên công ở phường Cẩm La, với lễ vật đầy đủ gồm các mâm hoa quả, trầu cau, bánh dày, bánh dẻo, rượu hồng, thủ lợn... Các cụ khỏe mạnh ung dung đi giữa đông đảo con cháu; các Cụ Thượng tuổi cao sức yếu được các thanh niên trai tráng khênh rước bằng võng có đòn được sơn tạc đầu rồng…
Năm nay, thị xã Quảng Yên có 196 cụ Thượng được rước, trong đó có 159 cụ thọ 80, 36 cụ thọ 90 tuổi và 1 cụ thọ tròn 100 tuổi. Cảnh rước các cụ Thượng trong Lễ hội Tiên Công xưa đã được dân gian mô tả:
Cờ bay ngũ sắc tứ bề
Quân cờ nữ tú chỉnh tề hai bên
Phường chèo ngũ lão bát tiên
Nam thanh chấp kích rước liền nối theo
Hương án trước, kiệu bành sau
Lọng vàng dán tía rước trầu dưới trên
Trống chiêng nổi hiệu tam nghiên
Cà rồng não bạt nổi lên song vần
Trống tam nghiên, nhạc bát âm
Tiền tam, hậu nhị bước chân nhịp nhàng
Với những câu thơ trên ta có thể hình dung được không khí nhộn nhịp của các đoàn rước trên các đường phố.
Ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đánh giá lễ hội tiên công là một lễ hội đặc sắc, diễn ra thường niên, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia
“Lễ hội tiên công là một trong những lễ hội đặc sắc, lễ hội rước người sống và truy ơn những vị tiên công, những người có công đầu tiên khai hoang lấn biển lập nên đảo Hà Nam. Và tôn vinh những người cao tuổi là các cụ tròn 80, 90, 100 tuổi”.
Trò chơi dân gian đánh đu thu hút nhiều người tham gia |
Ngoài phần lễ, trong suốt thời gian tổ chức lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động như hát đúm, hát chèo, đánh cờ... Đây là một trong những lễ hội xuân lớn nhất ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), nhằm phát huy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào về cha ông, đồng thời thiết thực phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn và du khách gần xa./.