Đề xuất bỏ 60 phút cho con bú: Nên cân bằng quyền lợi đôi bên
“Trên thế giới, quyền được nghỉ thêm 60 phút/ngày của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được pháp luật đảm bảo. Nếu sửa theo như Dự thảo, quyền lợi của lao động nữ bị cắt giảm so với quy định hiện hành, không đảm bảo quyền được bú sữa mẹ của trẻ em và quyền được nuôi dưỡng và phát triển toàn diện (theo “Luật Trẻ em năm 2016”) -Bà Trịnh Thị Thanh Hằng cho biết
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có thể không được nghỉ 60 phút mỗi ngày; phụ nữ không được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong kỳ kinh nguyệt…
60 phút quý giá
Chị Thu, công nhân khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ: “Người lao động làm việc ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) giờ giấc gò bó, sáng đi sớm, tối về muộn nên 60 phút mỗi ngày đối với chúng tôi quý lắm. Nuôi con bằng sữa mẹ vừa tăng sức đề kháng cho trẻ, vừa đỡ tốn kém nên buổi sáng tôi thường vắt sữa vào bình đưa cho người trông trẻ để họ cho con uống. Buổi trưa tranh thủ về cho con bú và lại vắt sữa để con uống buổi chiều. 60 phút ấy đều dành cho con cả, chứ có phải là thời gian người mẹ được nghỉ ngơi đâu. Cứ hô hào nuôi con bằng sữa mẹ giờ lại cắt thời gian con được bú sữa mẹ trong năm đầu đời”.
Đề xuất mẹ không được nghỉ 60 phút cho con bú gặp phản úng trái chều. |
Lao động làm việc trong ngành da giày, dệt may, chế biến phải làm việc 10 -12 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó phụ nữ chăm con nhỏ đêm hôm không được ngủ đủ giấc, ban ngày phải làm việc kéo dài rất mệt mỏi, có một chút ưu tiên cho họ giờ cũng đòi cắt. Thay vì cắt bỏ thời gian được nghỉ ngơi của phụ nữ thì DN nên tìm cách tăng năng suất lao động. Nếu bỏ thì có thể bỏ quy định phụ nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong kỳ kinh nguyệt, vì quy định này đặt ra cho có chứ hầu như chẳng có DN nào thực hiện…Chị Lan, công nhân KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho rằng, doanh nghiệp (DN) lấy lý do cho lao động đang nuôi con nhỏ nghỉ thêm 60 phút mỗi ngày khó bố trí kế hoạch sản xuất là không hợp lý. Họ đâu biết được rằng để người lao động có thêm 1 tiếng chăm con nhỏ mỗi ngày, họ sẽ yên tâm mà dồn tâm sức cho công việc, năng suất lao động sẽ cao hơn.
Nhóm yếu thế cần được bảo vệ
Anh Tân, giám đốc một DN tư nhân tại TP HCM chia sẻ, anh rất ngại tuyển dụng lao động nữ, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ. Lao động mới tuyển dụng DN phải đào tạo, thế mà làm được một thời gian ngắn họ lại nghỉ sinh đến 6 tháng, vừa đi làm lại nghỉ 60 phút mỗi ngày. DN thiếu lao động lại phải tuyển dụng thêm người, lại phải đào tạo lại. Không tuyển dụng thêm người thì thiếu lao động, nhưng nếu tuyển thêm người khi người lao động hết thời gian nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì DN lại dư thừa lao động, mà tự tiện sa thải lao động thì vi phạm pháp luật. Nếu chính sách không thay đổi, chị em sẽ là người chịu thiệt vì khó tìm được việc làm.
Chị Hằng, công nhân KCN Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, ở công ty chị người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được lựa chọn, một là họ được nghỉ thêm 60 phút mỗi ngày hưởng nguyên lương, hai là họ không nghỉ nhưng 60 phút đó được tính là thời gian làm thêm giờ, được hưởng 150% tiền công. Vì vậy, tâm trạng họ rất thoải mái.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, DN kiến nghị nên bỏ quy định này bởi nếu quá nhiều ưu ái cho chế độ thai sản thì DN khó bố trí kế hoạch sản xuất. Với vai trò Tổ trưởng Tổ biên tập dự án luật, ông Bốn cho rằng nên giữ quy định như trước bởi đó là quy định nhân văn. Tuy nhiên, các quy định nên hài hòa lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lao động nữ, nhất là lao động nữ trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ là nhóm yếu thế cần được bảo vệ trong quan hệ lao động. Quy định hiện hành đảm bảo tính nhân văn, không chỉ bảo vệ người phụ nữ mà còn bảo vệ con trẻ, đảm bảo cho đứa trẻ được chăm sóc tốt./.