Cục Kiểm lâm lên tiếng vụ 'phù phép' rùa quý hiếm thành rùa gây nuôi
Các chuyên gia nhận định không thể gây nuôi thương mại rùa đầu to (Nguồn ảnh: ATP-IMC) |
Cũng theo thông tin từ ông Thơm, ngày 12/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo giải trình vụ việc, qua đó khẳng định rùa đầu to thuộc nhóm IIB, không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tuy nhiên, “để đảm bảo chính xác, chúng tôi đang phối hợp với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam kiểm tra, xác minh cụ thể. Khi có kết quả từ các nhà khoa học, chúng tôi mới có cơ sở kết luận và đưa ra phương án xử lý,” ông Thơm nói thêm.
Trước đó, thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, ngày 4/11/2018, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Kon Tum) đã kiểm tra và phát hiện một khối lượng lớn động vật hoang dã được vận chuyển trên xe khách mang biển kiểm soát 36B-022.32 qua địa bàn để đưa đi tiêu thụ.
Các cá thể động vật hoang dã bị bắt giữ bao gồm rắn và nhiều loài rùa, trong đó có 26 cá thể rùa đầu to (với tổng khối lượng 14,5kg). Theo nhận định của ENV, đây là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của CITES (Công ước mà Việt Nam là thành viên từ năm 1994) và Nhóm IIB Nghị định 32.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 32, “trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.” Như vậy, trong trường hợp này, phải hiểu rùa đầu to là loài thuộc Phụ lục I CITES.
Thế nhưng, khi kiểm tra, lái xe lại cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (giấy phép vận chuyển của lực lượng kiểm lâm) của 11kg rùa đầu to tại trang trại của ông Trần Chí Đại (trú tại xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Theo ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP): “Rùa đầu to là loài rùa đặc biệt nhạy cảm, rất khó để duy trì và sinh sản thành công loài trong điều kiện nuôi nhốt. ATP cũng chưa ghi nhận trường hợp gây nuôi thành công rùa đầu to nào tại Việt Nam…
“Như vậy, trong trường hợp này, việc cơ quan kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho cơ sở của ông Trần Chí Đại gây nuôi nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to và sau đó cấp phép vận chuyển loài này là trái quy định hiện hành của pháp luật,” đại diện ENV nhận định.
Trái ngược với nhận định trên, trong báo cáo giải trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Cục Kiểm lâm, ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng rùa đầu to thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.
Loài rùa này không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Ông Thành cũng khẳng định, hộ ông Trần Chí Đại đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi từ ngày 23/8/2017. Nguồn gốc động vật hoang dã gây nuôi tại trang trại của ông Đại đa phần nhập về từ các tỉnh. Thủ tục nhập về trang trại đều có xác nhận nguồn gốc hợp pháp của kiểm lâm sở tại-nơi có động vật hoang dã gây nuôi xuất đi.
Vì vậy, “Chi cục Kiểm lâm cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi các loài động vật hoang dã thuộc nhóm IIB là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (gây nuôi trong nước không mục đích xuất khẩu, nên không phụ thuộc vào Công ước Cites),” ông Thành nói thêm./.