e magazine
08/09/2023
[Megastory] Tiếng Việt thân thương

08/09/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đây trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, tạo động lực giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người nước ngoài.
[Megastory] Tiếng Việt thân thương
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đây trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, tạo động lực giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người nước ngoài.
[Megastory] Tiếng Việt thân thương
Trẻ em người Việt sống ở nước ngoài sẽ thêm hiểu về văn hóa của cha mẹ trong quá trình học và tìm hiểu về ngôn ngữ Việt; sẽ rất đáng tiếc nếu trẻ mất đi tiếng Việt. Xuất phát từ những trăn trở đó, chị Nông Thị Yên, hiện đang định cư, sinh sống và làm việc tại Trung Quốc vẫn tranh thủ từng giây phút trong ngày để dạy Tiếng Việt cho cậu con trai 5 tuổi của mình.

"Hiện tại, dù gia đình đang sinh sống tại Trung Quốc, nhưng tôi vẫn luôn đề cao việc sử dụng và duy trì tiếng Việt trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình, nhất là khi nói chuyện với con. Tôi xác định dạy và khuyến khích con tôi học tiếng Việt từ nhỏ, tôi tham khảo và mua rất nhiều sách truyện thiếu nhi của Việt Nam sang bên này để dạy con, tìm hiểu các phương pháp dạy song ngữ cho con hiệu quả, tôi nói chuyện và đọc truyện tiếng Việt cho con nghe. Tôi hy vọng sẽ nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt từ bé cho con, làm tiền đề để sau con tìm hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam".

(Chị Nông Thị Yên, người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc)

Chị Yên kết hôn với người chồng có quốc tịch Trung Quốc. Chính bởi vậy, quá trình song hành dạy con 2 loại ngôn ngữ luôn được chị quan tâm thực hiện. Đó là cách giúp chị và nhiều người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài luôn hướng về quê hương, Tổ quốc.

Với mong muốn sẽ xây dựng thêm một cộng đồng ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI để chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm dạy con hay tổ chức các phong trào học tập, các buổi giao lưu, các hoạt động thi đua, các cuộc thi sáng tác thơ, hát, thi hùng biện, kể chuyện, Chị Yên cũng mong muốn có thêm nhiều bộ sách học tiếng Việt cho các bạn nhỏ nước ngoài học tiếng Việt; xây dựng các tủ sách tiếng Việt, Thư viện sách tiếng Việt online, hay tạo các khoá học tiếng Việt online miễn phí để các bạn nhỏ ở nước ngoài có thêm nhiều nguồn tài liệu học tiếng Việt phong phú và phù hợp hơn.

[Megastory] Tiếng Việt thân thương

Trang bị tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba đang sinh sống tại nước ngoài đang là trăn trở đối với nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài. Đối với cộng đồng trên 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Tiến sỹ tâm lý học Cù Thu Hương, hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Pháp cho biết: Tại thủ đô Paris, Pháp, hiện có một cộng đồng các bố mẹ người Việt và người Pháp với tên gọi “Tre xanh”, hằng tuần đều tập hợp lại với nhau, cùng dạy con học Tiếng Việt, đọc thơ và hát những bài hát Việt Nam. Đó chính là cách làm mà những người như bà Hương mong muốn thực hiện để gìn giữ và phát huy giá trị của Tiếng Việt.

“Chúng tôi luôn mong muốn trao truyền cho các thế hệ sau tình đoàn kết, nét đẹp văn hóa truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc ta, niềm tự hào là người Việt Nam”.

(Anh Nguyễn Thiêm, người Việt sinh sống tại bang SachSen, Cộng hòa Liên bang Đức)

Trên cơ sở xác định việc dạy và học, bảo tồn tiếng Việt là nguyện vọng chính đáng, nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”, góp phần cụ thể hóa chủ trương “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng), đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của bà con.
[Megastory] Tiếng Việt thân thương

Việc ngày tôn vinh tiếng Việt được tổ chức không chỉ thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc gắn kết kiều bào với khối đại đoàn kết dân tộc, mà đây cũng chính là cách làm để đẩy mạnh hơn nữa quá trình ngoại giao văn hóa, ngôn ngữ trong việc dạy và học tiếng Việt đối cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng.

[Megastory] Tiếng Việt thân thương
Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức. Nguồn ảnh: TTXVN

Say mê thực hiện các phát âm cùng với học sinh Việt Nam bên thiết bị đo sóng ngữ âm chuyên dụng, Tiến sĩ Yamaoka Sho, là giảng viên Đại học Kyoto, Nhật Bản, đang phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về Ngữ âm Tiếng Việt và nhóm các dân tộc thiểu số. Chính từ tình yêu đối với tiếng Việt, đã thúc đẩy Yamaka Sho chọn gắn bó với tiếng Việt trong suốt 8 năm qua. Tiến sĩ Yamaoka Sho tâm sự rằng: Tiếng Việt rất thú vị, đặc biệt là tôi có say mê với ngữ âm nên đã thực hiện nghiên cứu chúng. Trước tôi đã có nhiều nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, nhưng chủ yếu dựa vào quan sát, thu thập của tác giả. Còn nghiên cứu của tôi được thực hiện dựa vào sự hỗ trợ của những thiết bị đo sóng ngữ âm chuyên dụng, tôi hy vọng sẽ mang lại những khám phá mới về ngữ âm tiếng Việt.

Tiến sĩ Yamaoka Sho chỉ là một trong số nhiều người nước ngoài lựa chọn gắn bó với tiếng Việt và gắn bó với Thái Nguyên. Được biết đến là trung tâm giáo dục lớn thứ ba của cả nước, Thái Nguyên đã trở thành địa điểm đào tạo Tiếng Việt uy tín đối với nhiều người nước ngoài. Nhiều lớp học Tiếng Việt đã được mở ra dành cho các sinh viên quốc tế tại Thái Nguyên.

Đơn cử như tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, hàng năm, đều đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 200 sinh viên, học viên quốc tế thuộc các hệ: Dự bị Tiếng Việt, đại học, sau đại học. Đặc biệt, cán bộ, giảng viên nhà trường đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ, giảng dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. Trường cũng đã tổ chức thi khảo sát đánh giá năng lực Tiếng Việt cấp chứng chỉ theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài cho hơn 1000 du học sinh nước ngoài.

“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đa dạng hóa chương trình đào tạo và các hình thức đào tạo. Đặc biệt, chúng tôi cũng nghiên cứu nhu cầu học Tiếng Việt của cộng đồng người Việt tại nước ngoài để tổ chức các khóa học cho phù hợp”.

(PGS.TS. Hà Trần Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên)

“Tiếng Việt, tiếng nước tôi
Là ầu ơ Mẹ ru thuở nằm nôi
Là đồng lúa bạt ngàn sinh sôi
Là hồn thiêng sông núi ngàn năm”...

(Lời bài hát “Tiếng Việt”, nhạc sĩ Hoài An)

Bảo tồn, tôn vinh tiếng Việt chính là cách phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền văn hóa mới trong xu thế hội nhập và phát triển./.

*****************

Thực hiện: Phương Linh - Tố Hương