Thái Nguyên, phố đã vào thu! Mùa thu rực rỡ trong màu nắng, màu hoa và màu cờ, cả trong xúc cảm của người Thái Nguyên. Những ngày thu thật lắng đọng và tràn đầy yêu thương. Bởi mùa thu, tỉnh Thái Nguyên đang kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021). Vui lắm chứ! Trong dòng chảy đó, có lấp lánh 59 năm thành lập thành phố Thái Nguyên - đô thị trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc. Mỗi con đường, mỗi dấu tích vẫn như nhắc nhớ về những mùa thu xưa với bao ký ức chẳng thể phai mờ. Trong sự ồn ào, bộn bề của một thành phố đang phát triển năng động, vẫn có những chốn hoài niệm cho chúng ta đi về… |
Là vùng đất trung tâm của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên ở vào vị trí: lưng tựa vào vùng rừng núi đại ngàn phía Bắc, mặt hướng về miền đồng bằng phía nam, lại được bao bọc bởi 2 con sông Cầu và sông Công, tạo nên cái thế: “Sông với núi, nền với hình”, vẫn được người xưa cho là đắc địa! 2 dòng sông như 2 cánh tay mẹ năm tháng bồi đắp, giúp nước tích tụ của núi, của rừng thấm mát cho những cánh đồng, tạo nên một vùng ấm no. |
Chính những đặc điểm về tự nhiên đã tạo cho vùng đất này những đặc trưng của một vùng giao thoa, hội tụ văn hóa từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, từ miền xuôi lên miền ngược. Giữa thế kỷ XVIII, nhà thơ Ngô Thì Sĩ khi lên nhậm chức Đốc Đồng trấn Thái Nguyên đã xao lòng trước phong cảnh hữu tình, nhộn nhịp của Bến tuần Đồng Mỗ mà viết những câu thơ: |
“Một dải non xanh trông xuống làn nước biếc Chốn biên thành hiếm có cảnh đẹp này Cửa hiệu buôn, phố người ở, nhà cái cao, cái thấp Sở thuế tuần, thuyền khách buôn ở trên, dưới bến sông…” |
Tuy là vùng đất thuộc quê hương có bề dày ngàn năm văn hóa và lịch sử, nhưng theo các cứ liệu lịch sử thì đến năm Gia Long thứ 12 (tức năm 1813), thủ phủ trấn Thái Nguyên mới được chuyển từ Thiên Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lên khu vực xã Đồng Mỗ, huyện Đồng Hỷ (thuộc phường Trưng Vương và phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên ngày nay), đánh dấu bước đầu sự hình thành và phát triển đô thị tỉnh lị Thái Nguyên. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Tỉnh thành đất bằng phẳng rộng rãi, đường thủy bộ giao thông đều thuận tiện, chu vi tỉnh thành dài 345 trượng, cao 9 thước, mở 4 cửa, hào rộng 3 trượng, sâu 5 thước. Tường đắp bằng đất, đến năm Tự Đức thứ 2 được xây bằng gạch”. Có thể thấy, khu vực này đã sớm mang bóng dáng đô thị, là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa hết sức sầm uất. Địa danh này sau trở thành trung tâm của thủ phủ Thái Nguyên - nơi sau này nổi danh là Thành phố Tháng 10, thành phố Thép Gang. |
|
Cầu Gia Bảy được xây dựng khoảng những năm 1928-1930. |
|
Bia Di tích Đình Hàng Phố xưa. Ngày 19/8/1945, Bộ Chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đặt Sở chỉ huy tại Đình Hàng Phố, có sự tham gia của quân đồng minh, đã bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên, tạo uy thế cho cao trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. |
|
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố. Công trình bảo tàng được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, là công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên. |
Mùa thu rạng rỡ những chuyện vui của Thái Nguyên hội nhập và phát triển. Mùa thu dâng trào trong lòng người Thái Nguyên niềm tự hào bước tới. Thời gian chảy trôi, thủ phủ trấn Thái Nguyên xưa, thành phố Thái Nguyên hôm nay, dẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn vững vàng, để hôm nay tự tin là một đô thị trẻ phát triển năng động của đất nước, bởi đã hòa hợp được những yếu tố căn bản của Đất, Trời và Lòng người. Và trong cái tổng thể tươi mới, vẫn có những góc nhỏ trong ký ức của những người đã yêu, đã gắn bó với mảnh đất này |
-----------------
Tố Hương - Hữu Quyết - Vũ Hiệp