Chủ trương đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. 35 năm là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu những thành tựu to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa trong khí thế đó, Thái Nguyên từng bước phát triển, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được đẩy mạnh; kinh tế tăng trưởng khá; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hoá - xã hội có bước phát triển; đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ V (tháng 10/1986) đã đề ra phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, với mục tiêu tổng quát là: Tất cả các ban, ngành, huyện, thành và cơ sở tập trung sắp xếp lại tổ chức và bộ máy, đổi mới tư duy và cơ chế quản lý nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất, ổn định thị trường, giá cả, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là công nhân viên chức, lực lượng vũ trang. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã tạo nên bước chuyển lịch sử cho cả đất nước, định hướng rõ nét về lý luận, đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đi đến ổn định và phát triển. |
Đổi mới - Từ quyết tâm đến hành động |
Từ ngày 15 đến ngày 17/7/1987, Hội nghị Tỉnh ủy Bắc Thái đã quyết định 3 chính sách lớn: Chính sách về phân phối, lưu thông; Chính sách đổi mới một bước về cơ chế quản lý và chỉ đạo sản xuất kinh doanh; Chính sách chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. |
“Tháng 7/1987, sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI, về bàn triển khai Nghị quyết đại hội trên toàn tỉnh. Thực hiện ở ta thì có 2 vấn đề: Xem lại mô hình, quan hệ sản xuất chúng ta thế nào, bởi nếu theo trước thì là hợp tác xã thì cân đối làm thế thôi, bây giờ hợp tác xã là doanh nghiệp rồi, phải sản xuất để bán. Rồi ngành thương mại thời trước chủ yếu đi lấy hàng về phân phối thôi, thì bây giờ chúng ta phải làm thế nào tổ chức sản xuất trong tỉnh, là về những cái gì tự đáp ứng trong tỉnh. Còn cân đối ngoài thiếu cái gì thì mới đi tiếp cận thị trường.” Đồng chí Nguyễn Ngô Hai |
Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn. Trước hết là về lương thực: Đẩy mạnh sản xuất lương thực, không chỉ trong các đơn vị sản xuất nông nghiệp, mà ở tất cả các cơ quan đơn vị có điều kiện, phát huy sức mạnh tổng hợp, các chính sách cho phép các cơ quan đơn vị, và cơ sở sản xuất công nghiệp được mở rộng quyền tự trao đổi sản phẩm của mình để lấy lương thực. Trong sản xuất nông nghiệp, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, còn được gọi tắt là Khoán 10. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Nghị quyết 05 với nhiều chính sách đổi mới cơ chế quản lý, giải phóng năng lực sản xuất nông nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, bộ máy quản lý trong các hợp tác xã được tinh giản, lợi ích người lao động được nâng lên. Nông dân trong tỉnh nhanh chóng bắt kịp xu thế đổi mới. |
“Lúc ấy có một tổ chức của tỉnh gọi là Ủy ban nông nghiệp. Trước hết là trên tinh thần “Khoán 10” thì có 3 khâu của tập thể, mục đích để phát huy cái chủ động sáng tạo của cá nhân người lao động. Thứ hai, trước đây mọi chỉ tiêu, việc làm đều do từ cấp trên phân giao trở xuống, nhưng bây giờ giao lại do tập thể Ủy ban hợp tác xã, lãnh đạo hợp tác xã cũng phải chủ động vào làm, không phải đợi chờ. Cho nên là chủ động cá nhân, chủ động lãnh đạo tập thể của hợp tác xã cũng được chủ động.” Đồng chí Mai Phúc Toàn |
Trong lĩnh vực công nghiệp, hoạt động chủ yếu lúc này là sắp xếp lại sản xuất các xí nghiệp, dựa trên tiềm năng hiện có và khả năng có thể khai thác sử dụng tại chỗ nguồn nguyên liệu, năng lượng và thị trường trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để cải tạo nâng cấp và tập trung đầu tư có hiệu quả vào sản xuất, phân cấp quản lý trong tổ chức sản xuất của đơn vị. Về thương nghiệp, những chính sách như: Giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho xí nghiệp; Lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, với tư tưởng chỉ đạo xóa bỏ "phao bao cấp", chuyển một số ngành kinh tế, trong đó có ngành nội thương, kinh tế đối ngoại và vật tư sang hạch toán kinh doanh, tự chủ về tài chính... đã tác động mạnh đến lưu thông hàng hóa trên địa bàn. |
“Ba năm ấy là rất khó khăn, vừa khó khăn về chuyển đổi cơ chế, vừa khó khăn về nguồn lực để cung cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành thương mại Thái Nguyên lúc bấy giờ dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UNBD tỉnh, có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là có những quyết sách làm cho thương mại Thái Nguyên hoạt động tốt hơn, khai thác thêm nhiều nguồn lực để phục vụ cho phát triển. Gang thép lúc đó 7-8 vạn công nhân, khu công nghiệp Sông Công 7-8 vạn, hệ thống, mạng lưới cấp 2, cấp 3 của thương mại Thái Nguyên đã phục vụ rất nghiêm túc nhu cầu phát triển của khu vực công nghiệp.” Đồng chí Phan Thế Ruệ |
Vượt lên khó khăn, thử thách, được Trung ương hỗ trợ nhiều mặt, trong 10 năm đầu thực hiện đổi mới, về cơ bản Thái Nguyên giữ vững được ổn định về kinh tế - xã hội; đời sống nhân dân tuy có mặt vẫn khó khăn nhưng không bị xáo trộn lớn. Tăng trưởng kinh tế dần ổn định qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 đạt 8,8%; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp năm 1995 là 35,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 1996 đạt gần 1.800 tỷ, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 124%; sản lượng lương thực quy thóc năm 1995 đạt xấp xỉ 250.000 tấn. Hoạt động thương mại có sự thay đổi mạnh, mạng lưới dịch vụ tăng lên, mạng lưới chợ ngày càng phát triển tích cực, hàng hóa địa phương dần dần trở nên phong phú, đa dạng; đặc biệt, hoạt động ngoại thương chuyển biến rõ nét, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 3 lần. |
Sau 31 năm hợp nhất với Bắc Kạn, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Trong bối cảnh lịch sử ấy, từ ngày 11 đến ngày 14/11/1997, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV được tổ chức. Đại hội có ý nghĩa mở đầu và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, bức tranh kinh tế, xã hội đã có những mảng màu tươi sáng. Trong 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt xấp xỉ 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang: Công nghiệp - xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2005 đã tăng lên trên 8.100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trên 19%/năm; tăng trưởng trong kinh tế nông - lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng gần 4,5%. Năm 2006, nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đã được bảo hộ, cây chè dần trở thành cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ đáng kể: năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5% (theo chuẩn cũ), theo chuẩn mới là 26,8%; bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 1,2 vạn lao động; các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế bám sát nhiệm vụ chính trị, đổi mới về chất lượng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. |
Trong 10 năm tiếp theo (2005-2015), kinh tế Thái Nguyên ở mức tăng trưởng khá cao, từ 11,11% (giai đoạn 2005-2010) đến 13,1% (giai đoạn 2010-2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, đến năm 2015 đạt 49%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 46 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 70,8%/năm, đến năm 2015 đạt mức 362 nghìn tỷ đồng. Sau 10 năm nỗ lực, năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh thành. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên bình quân hàng năm đạt trên 11%; cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đến năm 2020 đạt 90%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 16%/năm; giá trị xuất khẩu tăng bình quân trên 13%/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trên 16%/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện với bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 90 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 2%. |
Định hình một Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong tương lai |
Nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Trong đó, tập trung vào 3 trọng tâm: phát triển công nghiệp ở các địa phương phía Nam của tỉnh; tăng cường nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao đời sống nhân dân ngày càng cải thiện và ổn định. |
Khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển, Thái Nguyên đã xuất phát từ thực tiễn để chuyển động đột phá từ đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa đổi mới chính trị với tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường thực thi trên ba phương diện: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đổi mới và hoàn thiện hệ thống công vụ, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và liêm chính. |
Sự đổi mới về hệ thống chính trị tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, động lực mạnh mẽ xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khâu đột phá trong thu hút đầu tư. Thái Nguyên đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thành công nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ. Trong đó, chuyển đổi số được tỉnh xác định là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách trên mọi bình diện. Hiện thực hóa Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. |
Những thành tựu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cho thấy Thái Nguyên đang chuyển dịch mạnh mẽ trong nỗ lực trở thành một trong những Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực: Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Đặc biệt, phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu; huy động một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi. Hệ thống cơ chế, chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được quan tâm, đầu tư, tạo sự tăng trưởng đồng bộ và toàn diện: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Phong trào “Thái Nguyên chung tay xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được đẩy mạnh; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn để về đích nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, trong đó quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo đảm người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển. |
Thái Nguyên đã đi qua những mùa xuân đổi mới với những dấu ấn và bứt phá mạnh mẽ. Trên con đường đi tới, thành tựu và những bài học đúc kết từ thực tiễn vừa là hành trang, vừa là nguồn lực quý báu động viên toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến lên giành những thắng lợi mới, phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu cao cả, viết tiếp mạch nguồn đổi mới tương lai./. |