e magazine
26/12/2022
[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972

26/12/2022

Trong ký ức những nhân chứng của mùa đông năm 1972, đó là một chuỗi những kỷ niệm bi thương và oai hùng. Ở vùng đất thép, ký ức về 12 ngày đêm B52 đến hôm nay vẫn không thể phai mờ trong tâm trí. Đó là chiến tranh! Đó cũng là bản lĩnh Việt Nam không hề nao núng khi đối diện với kẻ thù trên bầu trời với những tham vọng hủy diệt. Đó cũng là sự trân trọng khi chúng ta nhìn lại 12 ngày đêm cuối năm 1972, nhìn lại quá khứ để càng biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình.
[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972
Trong ký ức những nhân chứng của mùa đông năm 1972, đó là một chuỗi những kỷ niệm bi thương và oai hùng. Ở vùng đất thép, ký ức về 12 ngày đêm B52 đến hôm nay vẫn không thể phai mờ trong tâm trí. Đó là chiến tranh! Đó cũng là bản lĩnh Việt Nam không hề nao núng khi đối diện với kẻ thù trên bầu trời với những tham vọng hủy diệt. Đó cũng là sự trân trọng khi chúng ta nhìn lại 12 ngày đêm cuối năm 1972, nhìn lại quá khứ để càng biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bắc Thái (gồm tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn ngày nay) là biểu tượng của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, biểu tượng cho sự phát triển của hậu phương miền Bắc với Khu Gang thép Thái Nguyên - nơi khởi nguồn của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam; với Nhà máy điện Thái Nguyên - nhà máy điện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ; Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ; Mỏ than Làng Cẩm; Mỏ than Phấn Mễ... Người Thái Nguyên tự hào quê hương mình là thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Khu tự trị Việt Bắc, nơi tập trung nhiều công trình kinh tế và quốc phòng quan trọng của Trung ương. Điều đó cũng đặt lên vai mỗi người trọng trách xây dựng và bảo vệ quê hương, bảo vệ khu công nghiệp thép gang đầu tiên của đất nước, không chỉ sản xuất để phục vụ kháng chiến, mà còn vì một tương lai thống nhất và hòa bình đang ở phía trước.
[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972
Nhà máy điện Thái Nguyên, một trong những nhà máy điện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

Đến năm 1972, chiến tranh phá hoại ngày càng trở nên khốc liệt, cảng Hải Phòng bị địch thả thủy lôi phong tỏa, Bắc Thái trở thành "cảng cạn" trên tuyến vận tải huyết mạch tiếp viện hàng hóa từ các nước xã hội anh em cho chiến trường miền Nam.

Mùa đông năm 1972, nhịp sống thành phố Thái Nguyên dường như trầm lặng hơn.

“Chủ trương sơ tán triệt để dân là một. thứ hai là các cơ quan, các xí nghiệp phải ở lại bám trụ sản xuất, thì bộ phận sản xuất ở lại, sau sản xuất là phải chuyển ngoài”.

Ông Đôn Văn Cước, nguyên Phó Chủ tịch UB hành chính tỉnh Bắc Thái

Cuộc tập kích đường không chiến lược được bắt đầu từ ngày 18/12/1972, trong kế hoạch mù quáng của đế quốc Mỹ với âm mưu hủy diệt. Cuộc sống thường nhật đứt đoạn, thất thường bởi những đợt bom. Nhịp sống của người Thái Nguyên giờ theo tiếng báo động khẩn cấp của Đài truyền thanh tỉnh.
[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972
Máy bay B52 của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc. Ảnh tư liệu

50 năm đã trôi qua, nhưng vẫn khiến bao người không khỏi bàng hoàng khi nhớ về mùa đông năm đó. Ký ức về một vùng tan hoang, chìm trong chết chóc chưa bao giờ thôi ám ảnh.

Đối với những cán bộ, công nhân của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, một trong những cơ sở sản xuất lớn ở miền Bắc lúc bấy giờ, đêm 20/12/1972 vẫn hằn sâu nỗi đau thương. Trong một số văn bản lưu trữ còn ghi lại: “Địch tập trung thả 1 số bom lớn xuống khu vực nhà máy, chủ yếu và khu trung tâm và các xóm gia đình công nhân ở xung quanh, bom nổ tương đối dầy, có nhiều chỗ chồng chéo lên nhau và xen giữa 2 loại bom phá và bom phạt. Nhà máy bị thiệt hại tới 70% và hàng trăm gia đình công nhân ở các xóm đồi pháo, đường goòng, đồi giữa, đồng xe và xóm Rừng bị đánh phá mất nhà cửa và hoa màu. Về người: 31 người chết và 4 người bị thương” (Theo “Thông báo tình hình máy bay địch đánh phá trở lại từ ngày 18/12 ở miền Bắc, trong Khu ta từ từ ngày 20/12 - ngày 29/12/1972” của Khu Công an Khu Tự trị Việt Bắc).

Ông Nguyễn Ngọc Yến, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Thái Nguyên nghẹn ngào nhớ lại, năm 1972, ông đang là Bí thư Đoàn Thanh niên của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ:

“Tôi chạy lên khu vực bị đánh bom, thì toàn bộ đã bị san phẳng, tưởng như không còn ai. Sau đó thì nghe thấy tiếng người bị vùi lấp kêu cứu, chúng tôi vội huy động đến cứu. Nhưng thiệt hại vẫn là quá lớn, quá đau thương, có những nhà không còn một ai…”.

Gần 2.000 quả bom rải khắp thành phố Thái Nguyên và các vùng lân cận; hơn 300 người chết; hàng loạt công trình, cơ sở kinh tế, nhà cửa bị phá hủy… Những xóm, những làng chìm trong mất mát…

Trong những ngày bom dội ấy, trận oanh tạc Giáng sinh 24/12/1972 đi vào lịch sử như một Noel đẫm máu. Sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy chiến thuật của Mỹ với hàng trăm chiếc đánh phá vào các khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam thành phố. Bom đạn Mỹ ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn: Khu công nghiệp Gang thép; Bệnh viện Gang thép; Bệnh viên Lao Khu tự trị Việt Bắc; Xí nghiệp Nước chấm; các tiểu khu: Hương Sen, Phú Mỹ, Lưu Xá và các xã: Túc Duyên, Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên), Tích Lương (Đồng Hỷ)…; cướp đi hơn 200 sinh mạng. Khu công nghiệp Gang thép bị “địch đánh phá vào khối vật tư, xưởng đường sắt, xưởng Cốc, xưởng công trình, Nhà máy cơ khí 19/5, xưởng cơ giới điện nước…; thiệt hại về người: 41 người chết và 1 người bị thương” (Theo “Thông báo tình hình máy bay địch đánh phá trở lại từ ngày 18/12 ở miền Bắc, trong Khu ta từ từ ngày 20/12 - ngày 29/12/1972” của Khu Công an Khu Tự trị Việt Bắc).

Ông Phạm Sỹ Đảng, Tiểu đoàn tự vệ Gang thép Thái Nguyên bùi ngùi:

“Đau nhất là số anh em công nhân mà mới tuyển lên ở đấy thì bom rải đúng khu vực đó. Sau khi B52 đi khỏi, dứt ném bom thì chúng tôi ra nhặt những mảnh thi thể của anh em bị bom tàn phá, xếp hàng dài. Lúc ấy chỉ thấy căm thù, nhưng mà xung phong, không có ai sợ”.

Và trong căn hầm ở Gia Sàng, 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái và 2 thủ kho lương thực đã anh dũng hy sinh khi đang dang dở nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972

12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là khoảng thời gian dồn nén sức mạnh, ý chí, cũng là sự thử thách lòng kiên trung cách mạng của tất cả chúng ta. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, quân dân Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ “Vừa xây dựng, củng cố lực lượng, vừa sơ tán để đánh thắng, sẵn sàng chi viện cho những nơi trọng điểm, vừa làm nhiệm vụ hậu phương với tiền tuyến”. Toàn tỉnh trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Việc chuẩn bị xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, chuẩn bị các yếu tố phục vụ chiến đấu đã được chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày. Các nhà máy, hầm mỏ chuyển sang tổ chức sản xuất thời chiến. Hơn 100 trận địa “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” của dân quân tự vệ được đào đắp, củng cố. Hệ thống trinh sát, báo động phòng không kịp thời thông báo các hướng tấn công của địch.

“Lúc bấy giờ huấn luyện thì có chuyên gia cấp súng cho mình, loại súng cao xạ, hướng dẫn cho mình để mình sử dụng. Nên mình sử dụng thạo lắm, nhanh lắm, chủ động. Khi máy bay địch đến là tất cả đơn vị cao xạ đều nổ súng hết”.

Ông Trần Minh, nguyên Phó Giám đốc Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên

Trong đêm 24 và 26/12/1972, Đại đội 5, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc đã quật ngã 2 pháo đài bay B52, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Ông Nguyễn Công Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn 256 chia sẻ:

“Về cách đánh, Trung đoàn ra lệnh: “Đánh bằng tay quay”. Điểm nổ cao nhất là 14km, thứ 2 là 12km, thứ ba là 10km, phần tử cố định trên một đường bay, bắn nhanh, bắn liên tục, bắn dựng màn đạn”.

Ông Vũ Đình Chiến, nguyên Chiến sĩ Đại đội 5,Trung đoàn 256 cũng tâm sự:

“Chúng tôi muốn góp sức mình bảo vệ quê hương, bảo vệ dân tộc, không để kẻ thù đe dọa. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn trả thù cho những vụ B52 giết hại người vô tội, như B52 đánh vào Gia Sàng khiến 60 thanh niên xung phong hy sinh. Đó là động lực để chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, không ngại gian khổ, khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ”.

Đạn bom quân thù không thể khuất phục được ý chí vùng đất thép. Trong làn mưa bom của kẻ thù, nhiệt điện vẫn sáng, các lò cao vẫn đều đặn những mẻ gang, dòng thép ra lò. Quân và dân Thái Nguyên sẵn sàng đối mặt với kẻ thù trên bầu trời, đối mặt với B52 - con át chủ bài cuối cùng của phía Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam./.
[Megastory] Thái Nguyên - Mùa đông năm 1972