e magazine
31/01/2021
[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

31/01/2021

Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số
[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một thành công lớn của nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2015-2020, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công tác an sinh xã hội luôn được Đảng ta coi là mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước. Chăm lo phúc lợi cho người dân là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện sinh động trong nhiều lĩnh vực, như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm, việc làm, giảm nghèo...

[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

THỰC HIỆN ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, ĐÚNG MỤC ĐÍCH, ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

Đối với Thái Nguyên, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.

Các cơ quan đã kịp thời tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành kế hoạch giao. Qua việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi từng bước được phát triển, thay đổi rõ rệt; công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành quả đáng khích lệ; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc giảm nhanh hơn mức bình quân chung của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần vùng dân tộc được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố.

[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH ĐƯỢC LỒNG GHÉP CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều đổi mới, các chương trình, chính sách của Trung ương được lồng ghép với các chương trình, chính sách của địa phương có trọng tâm, trọng điểm. Trong 05 năm qua, thông qua các Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp tiền tài trợ của các cá nhân và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được trên 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ các nguồn lực này, hàng trăm công trình bao gồm: giao thông, trường học, thủy lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng mới.

Một số kết quả tiêu biểu về công tác dân tộc trong giai đoạn 2016-2020:

1. 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo.

2. 74 xã trong tổng số 113 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp gần 03 lần bình quân chung của cả nước cho vùng này).

3. 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc trong giai đoạn vừa qua.

4. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm nhanh, từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019 đã góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên tăng 03 bậc, xếp thứ 02 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc (chỉ sau tỉnh Quảng Ninh).

5. Đến nay, 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia (trong đó, toàn quốc còn trên 3.500 xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia).

6. 90% số trạm y tế thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bác sĩ (trong đó toàn quốc có 69,2%).

7. Tỉnh đã xây mới 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn.

8. 04 đoàn cán bộ cấp cao của các nước: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia đến thăm, làm việc và học tập kinh nghiệm về công tác dân tộc tại tỉnh Thái Nguyên.

[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đã có bước phát triển tích cực, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, nhân dân đồng thuận, góp phần tích cực củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.

Cùng với những thành quả trên, tỉnh Thái Nguyên cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020. Các sở, ngành của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi và tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhằm tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cho vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ khám chữa bệnh; bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên phải kể đến “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi là Chương trình 135). Sau hơn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 đã mang đến sự đổi thay tích cực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Chương trình có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả, số vốn thực hiện từ năm 2013 - 2020 là trên 783 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt;...

[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với hỗ trợ giảm nghèo về thông tin và truyền thông, tỉnh đã triển khai hỗ trợ thiết bị thu truyền hình số theo Quyết định số 2451 của Thủ tướng Chính phủ, đã lắp đặt đầu thu kỹ thuật số cho trên 53.000 hộ nghèo, cận nghèo, đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó, để hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã tổ chức 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác giảm nghèo cho trên 55.000 lượt người.

Công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh đạt trên 98%. Người nghèo, người dân tộc thiểu số mắc bệnh nặng hiểm nghèo được khám, chữa bệnh theo Quyết định số 4163 của UBND tỉnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành, trong đó đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, chương trình mục tiêu giáo dục đào tào; chương trình kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ giáo viên... Các chương trình, dự án đã tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện để thực hiện chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2017 - 2020, chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa với tổng vốn 181 tỷ đồng đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 với tổng mức 11,4 tỷ đồng... Tỉnh đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho học sinh trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 của Chính phủ; hỗ trợ 15 tỷ đồng tiền ăn trưa cho trẻ mầm non; trên 21 tỷ đồng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập...

Cùng với nhiều các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng đã tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037); Chính sách hỗ trợ muối iốt, phòng chống biếu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc và miền núi Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, “trắng” điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn… Công tác động viên, thăm hỏi, đón tiếp tặng quà đồng bào, tôn vinh, biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu được quan tâm thực hiện. Các chính sách dân tộc trên được tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

Tại chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2021” tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã phát biểu và khẳng định: "Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể, tích cực, thiết thực để chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, tỉnh và các địa phương đều tổ chức Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” với mong muốn được kết nối, chia sẻ tình cảm, chia sẻ một phần vật chất và tinh thần. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, những phần quà tại Chương trình gửi tới người dân, các cháu học sinh, các thầy cô giáo là phần quà nhỏ bé của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh với mong muốn mang tình cảm ấm áp đến với người dân nhân dịp Tết đến, Xuân về để “Nhà nhà đều có Tết, người người đều có Tết”; đồng thời mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu xây dựng bản, làng quê hương ngày càng giàu đẹp".

Có thể nói rằng, Thái Nguyên đã thực hiện công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc một cách bài bản, căn cơ; có trọng tâm, trọng điểm; chính sách đi liền với ngân sách; phân cấp mạnh, có sự giám sát và đồng thuận của nhân dân. Với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đã được Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông đánh giá là địa phương thuộc tốp đầu toàn quốc.

Trong thời gian tới, để các chính sách dân tộc ngày càng phù hợp và thực hiện hiệu quả, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về vấn đề dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong giải quyết các vấn đề dân tộc; tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với công tác dân tộc; các cấp ủy Đảng cần cụ thể hóa, thể chế hóa việc thực hiện các Nghị quyết về công tác dân tộc, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tập trung kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cán bộ vùng dân tộc.../.

[Megastory] Thái Nguyên: Hiệu quả từ chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số