e magazine
[Megastory] PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế

27/10/2023 03:20

Năm 2022, Thái Nguyên xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu nằm trong TOP 20 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vì một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thuận tiện và minh bạch.
PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế
Năm 2022, Thái Nguyên xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu nằm trong TOP 20 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vì một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thuận tiện và minh bạch.
PCI - Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp

Nhìn vào bảng điểm phân tích các chỉ số thành phần PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2022 có thể thấy nhiều chỉ số có sự cải thiện và tăng điểm đáng kể so với năm 2021 như: Chỉ số gia nhập thị trường đạt 7.45 điểm; Chỉ số tiếp cận đất đai 7.90; Thiết chế pháp lý 7.91; Chi phí không chính thức đạt 6.91; Tính minh bạch là 5.97…Bên cạnh đó vẫn còn một vài chỉ số giảm điểm so với năm 2021 như: Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Tính năng động hay chỉ số Đào tạo lao động. Các chỉ số này còn nằm ở vị trí thấp, chưa đúng với kỳ vọng và tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo ông Đinh Xuân Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Nguyên: “Chỉ số này đã phản ánh khá chính xác về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương. Các cấp chính quyền cần tăng cường các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vì mục tiêu chung của tỉnh”.

Bên cạnh việc duy trì các chỉ số thế mạnh, một trong những chỉ số giảm điểm trong năm 2022 mà cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là Chi phí thời gian, đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số này giảm điểm. Qua phân tích, có 20% doanh nghiệp đánh giá dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước. Chỉ có 42% doanh nghiệp đánh giá không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến; 38% doanh nghiệp đánh giá thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm chi phí thời gian. Doanh nghiệp đánh giá mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế là 24 giờ, tốn kém nhiều giờ hơn số giờ đánh giá trung vị của cả nước. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Giữa chính quyền và doanh nghiệp còn có “độ vênh”. Mặc dù các sở, ngành làm việc rất tốt, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa cảm nhận hết được. Nhưng với quyết tâm chỉ đạo của tỉnh, hai bên sẽ thấu hiểu nhau hơn”. Ông cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, nắm rõ những chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh. Doanh nghiệp có nhận thức tốt mới có đánh giá xác đáng các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI.

PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế

Cạnh tranh bình đẳng cũng là chỉ số giảm điểm mà giới doanh nghiệp của tỉnh băn khoăn. Qua khảo sát cho thấy, có tới 77% doanh nghiệp đánh giá tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa, 39% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn; 75% doanh nghiệp đánh giá việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn; 79% doanh nghiệp đánh giá hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền. Về vấn đề này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo PCI khẳng định, quan điểm của tỉnh là luôn bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ; việc điều hành, giải quyết các thủ tục hành chính đều được công khai minh bạch. Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường tham dự đối thoại tại các huyện, thành phố để lắng nghe tiếng nói từ các doanh nghiệp; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn đặt ra.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thái Nguyên bày tỏ đánh giá cao sự đổi mới, năng động của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Không chỉ mình ông, mà nhiều doanh nghiệp cũng cảm nhận được sự thay đổi trong lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, cũng như sự nghiêm túc của đội ngũ cán bộ.

Những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đòi hỏi các cấp chính quyền cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để cải thiện nâng cao chỉ số PCI trong những năm tiếp theo, nhất là các nội dung công khai minh bạch thông tin để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng về môi trường đầu tư và cạnh tranh bình đẳng của tỉnh.

PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế
DDCI - Thước đo đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp

Nếu như PCI là cuộc khảo sát đánh giá ở quy mô cấp quốc gia (chấm điểm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước), thì DDCI là cuộc khảo sát, đánh giá ở quy mô cấp tỉnh, với cách thức tiến hành, triển khai tương tự, nhằm lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đến từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện về thực trạng điều hành kinh tế, giải quyết các TTHC đối với doanh nghiệp và người dân. Việc thực hiện đánh giá chỉ số DDCI là một trong những yếu tố quan trọng góp phần để các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế, kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Khảo sát DDCI năm 2022, số đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá trên 1.500 doanh nghiệp, đối tượng được khảo sát tăng lên 23 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố của tỉnh. Kết quả đánh giá năm 2022 cho thấy tất cả 32 đơn vị đều đạt điểm số trên 80, thuộc nhóm xếp loại năng lực điều hành tốt. Trong đó, điểm trung bình của khối sở, ngành là 86,6 điểm (tăng 0,63 điểm so với năm 2021). Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu, với 89,22 điểm. Đối với khối địa phương, điểm trung bình là 85,65 điểm (tăng 1,44 điểm so với năm 2021). TP. Thái Nguyên là đơn vị có DDCI dẫn đầu toàn tỉnh, với điểm số 87,36. Địa phương có sức bật mạnh nhất trong bảng xếp hạng DDCI năm 2022 là huyện Đại Từ (từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 3/9 huyện, thành phố).

PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế
PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế

Nói về việc đánh giá DDCI của tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thùy Trang, Công ty TNHH Myungjin Electronic Vina cho rằng: “Sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, thông qua việc đánh giá DDCI, chúng tôi có điều kiện nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ phía các sở, ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Cũng như PCI, Chỉ số DDCI năm 2022 của tỉnh có điểm số tăng so với năm 2021. Kết quả khảo sát cho thấy, không có sự chênh lệch quá lớn trong tổng điểm giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cũng như giữa các chỉ số thành phần. Trong 9 chỉ số thành phần DDCI, mức độ chuyển đổi số được doanh nghiệp chấm điểm cao nhất ở cả khối sở, ngành và khối địa phương. Tuy nhiên, đáng chú ý là chỉ số “Hỗ trợ doanh nghiệp” vẫn đứng ở vị trí cuối cùng. Điều này phần nào cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thấy rõ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành đối với hoạt động của đơn vị và mong muốn sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Thái Nguyên còn nhiều dư địa cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư

Việc PCI hay DDCI có sự cải thiện và thăng hạng là chỉ dấu quan trọng, là thước đo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như đối với các sở, ngành và địa phương của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ước tính tăng 5,17% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Công tác thu hút đầu tư tiếp là điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh. 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 lượt dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 151 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 191 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt 10,5 tỷ USD. Cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 20 lượt dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đạt trên 9.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 863 dự án với số vốn đăng ký khoảng 159.200 tỷ đồng. Toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 620 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 6.318 tỷ đồng; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 322 doanh nghiệp.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, chính sách cải cách, ưu đãi vượt trội và đặc biệt là chính quyền tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thái Nguyên hội đủ những yếu tố tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn FDI, cũng như có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vào khu công nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia, trong khu vực và toàn cầu. Chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ tối đa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm hàng đầu.

Có thể nói, PCI và DDCI đã và đang trở thành thước đo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Chính vì thế, nâng cao các chỉ số này trong năm 2023 và các năm tiếp theo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu của tỉnh Thái Nguyên. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của chính quyền tỉnh, cùng các giải pháp thiết thực trong tổ chức thực hiện của các sở, ngành, địa phương, kỳ vọng mục tiêu lọt TOP 20 sẽ trở thành hiện thực. Tạo sức hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi như hiện nay./.
PCI - DDCI: Công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế