e magazine
[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng

22/03/2022 21:00

Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái ra đời năm 1966, có 5 đại đội trực thuộc, gồm Đại đội 911, Đại đội 912, Đại đội 913, Đại đội 914, Đại đội 915 (Đại đội 915 thành lập tháng 6/1972). Trong giai đoạn 1966-1974, Đại đội 913 trải qua 3 nhiệm kỳ phục vụ, đảm bảo giao thông vận tải ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong niềm tự hào về những thành tích của đơn vị, có cả sự tiếc thương về những đội viên đã ngã xuống vì tuyến huyết mạch 16A anh hùng.
[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái ra đời năm 1966, có 5 đại đội trực thuộc, gồm Đại đội 911, Đại đội 912, Đại đội 913, Đại đội 914 và Đại đội 915 (Đại đội 915 thành lập tháng 6/1972). Trong giai đoạn 1966-1974, Đại đội 913 trải qua 3 nhiệm kỳ phục vụ, đảm bảo giao thông vận tải ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong niềm tự hào về những thành tích của đơn vị, có cả sự tiếc thương về những đội viên đã ngã xuống vì tuyến huyết mạch 16A anh hùng.
Đại đội “lá cờ đầu”

Từ giữa tháng 10/1965, đế quốc Mỹ mở chiến dịch cho không quân đánh phá ác liệt các tuyến giao thông phía bắc và đông bắc Thủ đô Hà Nội. Cầu Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên); Cầu Phà (thị xã Bắc Cạn); các cầu Mỏ Gà, Suối Cạn, Cầu Rắn (trên Quốc lộ 1 B, thuộc địa bàn huyện Võ Nhai); Nông trường chăn nuôi của Khu Gang thép Thái Nguyên, ga Lương Sơn (huyện Phú Bình, nay thuộc thành phố Sông Công)… là những mục tiêu đánh phá chủ yếu của không quân Mỹ. Trước tình hình trên, ngày 26/11/1965, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công văn số 3908/CN chuẩn y cho tỉnh Bắc Thái thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) 91 Bắc Thái (ký hiệu XP91TC), thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải thời chiến ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh trở nên khẩn trương và hết sức cấp bách.

Ngày 9/1/1966, tại xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, huyện Đồng Hỷ (nay là xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thành lập Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái, được biên chế thành Văn phòng Đội và 4 đại đội: 911, 912, 913, và 914. Sau đó, đến tháng 6/1972, thành lập thêm Đại đội 915. Trải qua 3 nhiệm kỳ phục vụ (1966-1974), Đại đội 913 với quân số ban đầu 150 người, chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số. Những cô gái, chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, đã xung phong tình nguyện khoác lên mình màu áo tuổi trẻ, quyết tâm phục vụ chiến đấu.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng

Theo chân bà Trần Thị Học, Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP Đại đội 913, chúng tôi có dịp gặp gỡ những đội viên 913 năm nào. Tháng năm đã làm mái tóc điểm bạc, nhưng nụ cười thì vẫn tươi giòn sau những chiếc khẩu trang trong mùa chống đại dịch. Thoắt cười vui gặp nhau đấy, rồi lại đã rưng rưng những câu chuyện ngày đầu đến với đơn vị; ký ức những ngày lao động mở đường, thông đường; những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội…

Nhớ về ngày đầu ấy, bà Lương Thị Xếp bồi hồi kể lại: “Tôi quê ở Bạch Thông, Bắc Kạn. Khi được vận động đi TNXP thì 3 chị em tôi (Lương Thị Xếp, Hoàng Thị Phân, Lý Thị Hồng) vốn cùng xã, cùng đội hợp tác rủ nhau xung phong đi, xuống dưới này thì cũng cùng 1 tiểu đội”.

Cựu TNXP Lý Duy Bình cũng nhấn mạnh: “Lúc đó thì khí thế của thanh niên hừng hực lắm. Nghe lời kêu gọi của Đoàn thanh niên, thì ở quê nhà, thanh niên ai cũng tình nguyện”.

Đơn vị đã hoạt động tại nhiều địa bàn bị máy bay địch bắn phá ác liệt, ở Bắc Kạn có Na Rì, Ngân Sơn; ở Thái Nguyên có Định Hóa, Đồng Hỷ, Thịnh Đức, Tân Long, hay ga Quán Triều, ga Lưu Xá… Những địa danh đã trở thành vùng ký ức không thể phai mờ. Đại đội TNXP 913 đã tham gia và hoàn thành nhiều nhiệm vụ xuất sắc. Đại đội đã làm mới và mở rộng mặt đường các tuyến đường chiến lược phục vụ chiến đấu: đường Thác Riềng - Na Rì dài 60 km, nối thông huyện Na Rì với Quốc lộ 3; đường Bảo Linh - Đèo Muồng (Định Hóa); đường nhánh Nam Tiền - Suối Nước từ Phúc Hà đến ga Quán Triều… Hỗ trợ các đơn vị chiến đấu, đại đội đã xây dựng trận địa tên lửa ở xã Thịnh Đức; trận địa trận địa pháo cao xạ ở xã Thượng Đình; trạm rada và hầm hào trên đỉnh đèo Gió (Ngân Sơn); đào hầm dấu các bể xăng sơ tán ở xã Thịnh Đức... Trong công tác sửa đường, đơn vị đã sửa chữa đường sắt nối vào ga Lưu Xá và lấp hố bom (tháng 12/1967) kịp thời thông tàu bảo đảm giao thông; chốt giữ, ứng cứu bảo đảm giao thông tại cầu km5 (Tân Long); chống sạt lở đất tắc đường, đảm bảo giao thông đường số 3, đoạn qua đèo Gió (Ngân Sơn)…

Đại đội 913 luôn luôn là đơn vị lá cờ đầu của Đội 91 TNXP Bắc Thái. Năm 1972, Đại đội 913 đã kiên cường dũng cảm lập thành tích đảm bảo giao thông trên đường 16A.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Một số hình ảnh hoạt động Ban liên lạc cựu TNXP Đại đội 913, Đội 91 Bắc Thái.
Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm

Năm 1972, chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc trở nên vô cùng khốc liệt. Ném bom, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, khiến Bắc Thái trở thành "cảng cạn" trên tuyến vận tải huyết mạch tiếp viện hàng hóa từ các nước XHCN cho chiến trường miền Nam. Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận lương thực và hàng quân sự từ biên giới qua Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc đưa về và chuyển tiếp cho chiến trường; Hai là, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống; đặc biệt là trên các trục giao thông huyết mạch quốc lộ 3, quốc lộ 1B và các tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá, Quán Triều - Hà Nội.

Tuyến quốc lộ 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên) và đường 16A (Thái Nguyên - Hà Bắc) có vai trò chiến lược quan trọng, tiếp nhận, trung chuyển hàng quân sự. Trên đường 16A, từ Chùa Hang đến ga Kép, có Trường lái xe Tiến Bộ; Mỏ sắt Trại Cau; Ga xe lửa Hợp Tiến; kho Bảo Nang; kho, bãi đỗ xe trung chuyển ô tô quân sự 382; kho xăng dầu... Ngoài ra, gần đó còn có các trận địa pháo cao xạ bảo vệ Khu Gang Thép và thành phố Thái Nguyên. Đế quốc Mỹ đã tập trung máy bay ném bom đánh phá rất ác liệt đường 1B và đường 16A.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Đường quốc lộ 17 hôm nay (đường 16A năm xưa).

Để đảm bảo giao thông thông suốt, tháng 7/1972, Đại đội 913 và Đại đội 915 thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông tuyến đường 16A đoạn từ Chùa Hang đến Trại Cau. Đại đội 913 chốt giữ, sửa chữa, ứng cứu đoạn qua xóm Ao Sen thuộc xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Khu vực này có kho, bãi trung chuyển xe sơ tán của quân đội, thường xuyên có hàng trăm xe vận tải quân sự và xe thiết giáp, nên máy bay địch thường xuyên trinh sát, ném bom.

Trong các ngày 14, 17 và 21/7/1972, Mỹ cho máy bay ném 444 quả bom phá, bom phạt xuông địa bàn xung quanh nơi ở và làm việc của Đại đội 913 và Đại đội 915, làm chết 47 dân thường và bị thương 51 người.

Ngày 13/9/1972, máy bay Mỹ ồ ạt đến ném bom, bắn phá đường 16A đoạn đi qua khu vực làng Phan, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ nơi cán bộ, đội viên Đại đội 915 đang sửa mặt đường, làm cho đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh và 8 đồng chí khác bị thương.

Trong các ngày 8,15,16,21 và 22/10/1972, Mỹ cho máy bay liên tục bắn phá cả ngày lẫn đêm xuống các xã Linh Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi dọc theo đường 16A.

Trong chiến sự ác liệt, các cô gái, chàng trai TNXP Đại đội 913 tuổi 18, đôi mươi, không kể ngày hay đêm, dù no hay đói, vẫn miệt mài san lấp hố bom, thông đường, hướng dẫn xe vượt trọng điểm. Các chị, các anh làm việc với tinh thần: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”!

Những tháng ngày đầy khói lửa ấy đã bén duyên những mối tình trong sáng để mỗi người có thêm sức mạnh đương đầu với những tàn khốc của cuộc chiến. Đội viên Lương Thị Xếp và đội viên Lý Duy Bình đã nên duyên từ những tháng ngày băng mình qua ánh chớp lửa đạn như thế. Để đến hôm nay, không chỉ riêng ông bà, mà mỗi cựu TNXP của đơn vị đều thương nhớ khôn nguôi những ký ức một thời.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Đội viên Lý Duy Bình và Lương Thị Xếp đã nên duyên từ tình cảm trong sáng trong những tháng ngày tuổi trẻ TNXP.

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, (từ ngày 18-30/12), đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 ném bom miền Bắc. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên cũng gồng mình trước các đợt ném bom dữ dội.

Sáng ngày 29/12/1972, nhà bếp đại đội hết lương thực, cán bộ đội viên 913 chỉ có khoai lang luộc lót dạ nhưng vẫn hăng hái lên mặt đường làm nhiệm vụ. Vào khoảng 9h15’, đơn vị đang sửa chữa mặt đường thì một tốp máy bay F111 cánh cụp cánh xòe của giặc Mỹ bay thấp đánh lén, ném bom vào đội hình. 5 đội viên TNXP 913 đã ngã xuống trên đường 16A anh hùng. Họ đã ngã xuống trước giờ đế quốc Mỹ ngừng ném bom (7h ngày 30/12/1972) chưa đầy 24h.

5 đồng chí TNXP Đại đội 913 hy sinh

1) Đồng chí Nông Thị Đằm, sinh năm 1953, quê ở Phúc Chu, Định Hóa.

2) Đồng chí Nguyễn Thị Đặng, sinh năm 1952, quê ở Phúc Chu, Định Hóa.

3) Đồng chí Trần Thị Công, sinh năm 1956, quê ở Điềm Mạc, Định Hóa.

4) Đồng chí Hoàng Thị Phân, quê ở Bạch Thông, Bắc Kạn.

5) Đồng chí Lý Thị Hồng, quê ở Nguyên Phúc, Bắc Kạn.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Cây cỏ đã phủ một màu xanh lên dấu tích xưa, nhưng vẫn còn đó hố bom gây đau thương.

Các cựu TNXP 913 đưa chúng tôi đến khu vực hố bom năm xưa. Dẫu năm tháng đã phủ xanh cỏ cây lên chốn cũ, nhưng không thể lấp đầy hố bom khoét sâu vào lòng đất. Ký ức về cái ngày đau thương ấy ùa về.

Nửa thế kỷ qua, bà Học vẫn không thể quên được cảnh tượng tan hoang, khu lán trại bị bom cày xới thiêu rụi: “Tôi là y tá của đơn vị. Khi tôi chạy đến thì thấy 2 bạn trẻ nhất đơn vị là Công và Đằm lúc đó đang bị thương. Công thì không còn khả năng cứu chữa nữa. Còn bạn Đằm bị thương ở ngực, máu tuôn ra liên tục, tôi lấy cả múi dù dịt vào vết thương mà vẫn bị trôi đi. Dù bị thương nặng như thế, nhưng bạn vẫn bảo tôi: Chị ơi, em không qua được đâu, chị đi cứu đồng đội đi”… Nói đến đây, bà Học bật khóc.

Bà Xếp, bà Tỵ, bà Lịch cũng không nén nổi xúc động, khẽ lau giọt nước mắt. Bà Xếp tâm sự: “Chị em tôi 3 người cùng quê đi với nhau mà 2 người hy sinh, giờ chỉ còn lại mình tôi”.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng
Dưới vòm xanh, những cựu TNXP đại đội 913 run run thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những người đồng đội mãi mãi tuổi 20. Họ kể với đồng đội về câu chuyện sắp tới đây, một công trình tưởng niệm sẽ được xây dựng ở khu vực các chị đã hy sinh, để sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ, cùng với những chiến công được tôn vinh, lưu truyền và lan tỏa.

Chiến tranh đã khép lại, những trang sử mới đang mở ra, nhưng ký ức về một thời chiến tranh thì vẫn còn đó. Những ký ức về đường 16A anh hùng nhắc nhớ thế hệ hôm nay về quá khứ hào hùng của quê hương, về Đại đội TNXP 913 và những người con cảm tử đã hóa thân vào đất mẹ, để Tổ quốc ngàn năm vững bền.

[Megastory] Đại đội TNXP 913 - Ký ức đường 16A anh hùng