e magazine
31/12/2020
[Megastory] Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

31/12/2020

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng Quốc gia. Tại Thái Nguyên, chuyển đổi số được tỉnh xác định là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách trên mọi bình diện. Trong đó, Thái Nguyên đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực.
[Megastory] Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng Quốc gia. Tại Thái Nguyên, chuyển đổi số được tỉnh xác định là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách trên mọi bình diện. Trong đó, Thái Nguyên đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực.

Ngày 14/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1400/TTg-KSTT về việc bổ sung Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là định hướng mới đưa tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm công nghiệp điện tử công nghệ cao của khu vực trung du miền núi phía bắc.

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế, Thái Nguyên đã có sự phát triển không ngừng về lĩnh vực thông tin và truyền thông, được đánh giá là tỉnh có hạ tầng viễn thông tương đối tốt.

Toàn tỉnh có 11 đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính với 225 điểm phục vụ, trên 1.600 điểm thu phát sóng điện thoại di động, mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% số xã, thị trấn và 94 % xóm, bản; tổng thuê bao điện thoại di động hơn 1,18 triệu thuê bao, đạt xấp xỉ 100 thuê bao/100 dân; có gần 900.000 thuê bao sử dụng dịch vụ internet. Hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị khá đầy đủ trong các cơ quan đảng, nhà nước. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh có đầy đủ 4 loại hình báo chí, góp phần tích cực trong công tác quảng bá, tuyên truyền, định hướng dư luận...

Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

Trong xây dựng chính quyền điện tử, 100% cơ quan Nhà nước đã có trang web, cổng thông tin. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước, từ cấp xã đến cấp tỉnh. Tỷ lệ dân số toàn tỉnh có kỹ năng số cơ bản đạt 85%; chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc.

Thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 80%; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 50%; tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt 100%.

Chỉ số cải cách hành chính(Par Index) của tỉnh được đánh giá có những cải thiện vượt bậc. Năm 2019, Thái Nguyên xếp thứ 14 trong cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính, tăng 40 bậc so với năm 2016. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn có thứ hạng cao, là một trong những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và có hiệu quả về cải thiện môi trường đầu tư.

Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang tích cực thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số. Các đơn vị đã chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin, mạnh dạn đầu tư, áp dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại để phục vụ sản xuất kinh doanh và quản trị.

Ngành y tế đã triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh; áp dụng công nghệ thông tin, kết nối, số hóa, các dịch vụ, đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa trong thời điểm phòng,chống dịch COVID-19.

Ngành giáo dục đã thực hiện số hóa giáo trình giảng dạy, luận văn, luận án; xây dựng các bài giảng điện tử. Nhiều hình thức học tập hiện đại như học trực tuyến, từ xa... đang được nhiều trường học áp dụng; nhiều sản phẩm sáng chế được áp dụng hiệu quả.

Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

Thái Nguyên còn một số tồn tại, hạn chế như số lượng doanh nghiệp công nghệ số của Thái Nguyên quá ít, mới có 276 doanh nghiệp/1.000 dân, tỷ lệ chỉ 0,22%, thấp hơn mức trung bình 0,62% của cả nước. Mức chi cho công nghệ thông tin tại địa phương còn quá thấp, chưa đến 30 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ 0,2% tổng chi ngân sách.Tỷ lệ dùng chung trạm phát sóng mới đạt 9% (thấp hơn so với mức trung bình toàn quốc là 15%). Đây là những thách thức lớn trong quá trình phát triển mọi mặt của tỉnh.

Mặc dù vậy, với tiềm năng và lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương xây dựng chiến lược cụ thể, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số nhằm giải quyết được nhiều vấn đề của thực tiễn, cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại cho người dân. Đây cũng là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 12/11/2020. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh: “Với kỳ vọng xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Bộ sẽ hỗ trợ tích cực về công nghệ, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp... để hoàn thành mục tiêu này trong thời gian sớm nhất. Trước mắt tỉnh Thái Nguyên cần đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, trước mắt là bắt tay vào đầu tư hạ tầng viễn thông số”. Trong đó, khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với tổng diện tích 200 ha được xác định là nòng cốt, là thế mạnh của tỉnh. Đây được coi là “tổ” để Thái Nguyên “đón đại bàng” trong ngành công nghệ thông tin.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến từ nguồn này sẽ giúp Thái Nguyên hỗ trợ truy cập băng rộng cố định cho các hộ dân nghèo.

Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

Cụ thể, năm 2021, Thái Nguyên sẽ thí điểm chuyển đổi số ở 4 xã miền núi đặc biệt khó khăn (gồm: xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên); xã La Bằng (huyện Đại Từ); xã Bình Thành (huyện Định Hóa); xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai). Đầu tiên là ưu tiên trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến để cho học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất Việt Nam. Tiếp theo là vấn đề y tế, ở vùng sâu, vùng xa với hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho người dân. Cùng với đó là mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để bà con bán được các sản phẩm nông nghiệp...

Để xóa xã, phường “trắng” truyền thanh cơ sở, Thái Nguyên dự kiến sẽ sử dụng từ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hoặc kêu gọi đầu tư.

Mục tiêu trước mắt, khu ATK (Huyện Định Hóa) sẽ được hoàn tất việc số hóa 3D - 4D trước tết Nguyên Đán. Đến tháng 6/2021, 100% người dân ở Thái Nguyên đều có 4G để sử dụng. Và cũng trong năm 2021, Thái Nguyên sẽ có 5G do MobiFone và VinaPhone triển khai.

Tại dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu. Cụ thể, đến năm 2025 có trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; có trên 700 doanh nghiệp số; tập trung đầu tư để xây dựng hình thành 3 đô thị thông minh, gồm: thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du Miền núi phía Bắc, thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; có trên 3.000 doanh nghiệp số; Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên

Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Với vị thế của mình, Thái Nguyên đang ôm trong lòng 3 giấc mơ lớn: Kết nối giao thông với Thủ đô; trở thành Thủ phủ công nghiệp; trở thành Thủ phủ du lịch lịch sử. Giờ đây, Thái Nguyên có thêm giấc mơ trở thành hình mẫu ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu thành công, Thái Nguyên sẽ thành biểu tượng về hiện thực hóa giấc mơ và tạo cảm hứng cho các địa phương khác./.

[Megastory] Chuyển đổi số và cơ hội của Thái Nguyên