e magazine
[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

05/09/2022 21:40

Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào là một điển hình, một hình mẫu hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng củng cố, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các tỉnh bạn Lào. Các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có chung đường biên giới dài trên 2.000 km. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trải qua hàng nghìn năm, từ xưa tới nay, quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc luôn sát cánh bên nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, từ quan hệ truyền thống hàng nghìn năm, phát triển thành quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và sâu sắc. Đặc biệt, trong 6 thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.

Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Sau khi hòa bình lập lại, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam - Lào trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ đó, quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai nước ngày càng gắn bó, tin cậy, là nền tảng vững chắc định hướng cho hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như công trình Nhà Quốc hội mới của Lào khánh thành năm 2021, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những biểu tượng có nhiều ý nghĩa của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới.

Hợp tác quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam - Lào. Hai nước phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước. Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và ngày càng khởi sắc. Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, song trao đổi thương mại hai nước năm 2021 vẫn tăng trưởng 33,3%, đạt 1,37 tỉ USD. Hợp tác đầu tư cũng phát triển vượt bậc. Đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,33 tỉ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.
[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Trong hai cuộc kháng chiến, trên 7.000 bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ các ngành từ Thái Nguyên đã sang Lào công tác, chiến đấu bên cạnh quân và dân Lào. Trong đó, trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự, góp phần giải phóng cho nhân dân các bộ tộc Lào.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển, trở thành một Trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nằm trong vùng phát triển Thủ đô Hà Nội.

[Megastory] 60 năm đoàn kết trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Về lĩnh vực giáo dục: Trong những năm 70 của thế kỷ trước, lưu học sinh Lào sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông tại Thái Nguyên, được nhân dân và học sinh, sinh viên Thái Nguyên đùm bọc, giúp đỡ. Nhiều lưu học sinh Lào ngày ấy, nay đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương của nước bạn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 1.400 lưu học sinh Lào đang học tập tại 11 trường, bao gồm cả 4 hệ đào tạo: Trung học phổ thông; cao đẳng; đại học và sau đại học. Thời điểm năm học 2018-2020, số lưu học sinh Lào tại tỉnh Thái Nguyên lên đến 2.000 người, học tập tại 13 trường (9 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường phổ thông trung học).

Nhiều học sinh, sinh viên, cán bộ Lào đã tốt nghiệp tại Thái Nguyên, được trang bị những kiến thức mới, những bài học kinh nghiệm về chuyên ngành, môn học, cả lý luận và thực tiễn. Họ đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, rèn luyện tốt, hiện nay đã trở thành nguồn lực then chốt, đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đã và đang tham gia công tác ở các cơ quan từ trung ương đến địa phương ở khắp mọi miền của đất nước Lào tươi đẹp, đang thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước Lào giao. Họ cũng là những sứ giả kết nối, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Luông Pha Bang, có quan hệ hợp tác với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, thành phố Viên Chăn và các tỉnh, thành phố khác của Lào.

Về lĩnh vực kinh tế: Trong thời gian qua và hiện nay, có trên 20 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hàng trăm lượt công nhân, nông dân sang Lào hợp tác, đầu tư các dự án phát triển kinh tế của Lào. Hàng năm, có nhiều đoàn cán bộ, nhân dân, cựu chiến binh, hội viên các hội truyền thống sang Lào tham quan, thăm lại chiến trường xưa, giao lưu hữu nghị với nhân dân, cựu chiến binh của Lào.

Về lĩnh vực văn hóa: Vào dịp tết Nguyên Đán của Việt Nam, tết Bun-pi-may của Lào, Hội Hữu nghị Việt Nam Lào phối hợp với các nhà trường tổ chức chúc tết lưu học sinh Lào, chúc tết Đại sứ và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam. Hội phối hợp với các trường tổ chức thực hiện Chương trình ‘homestay” - đưa lưu học sinh Lào đến ở nhà dân để tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam.
Năm 2022 - “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên; cán bộ, hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào vui mừng, tự hào về những thành tựu vĩ đại của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tri ân với những người đã cống hiến cho sự nghiệp hòa bình, hữu nghị của hai dân tộc; tiếp tục giữ gìn, vun đắp, góp phần phát triển tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

-------------------------------------------------

Biên tập: Trung Kiên

Đồ họa: Tố Hương