e magazine
[Megastory] Thái Nguyên - Nhìn lại hành trình 2 năm chuyển đổi số

29/12/2022 20:00

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2021, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, tăng 4 bậc so với năm 2020. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, Thái Nguyên đã tạo ra bước đột phá, ghi dấu ấn mạnh mẽ khi cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững; xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

[Megastory] Thái Nguyên - Nhìn lại hành trình 2 năm chuyển đổi số

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2021, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, tăng 4 bậc so với năm 2020. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, Thái Nguyên đã tạo ra bước đột phá, ghi dấu ấn mạnh mẽ khi cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững; xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

[Megastory] Thái Nguyên - Nhìn lại hành trình 2 năm chuyển đổi số

CHUYỂN ĐỔI SỐ

CƠ HỘI BỨT PHÁ ĐỂ “ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU”

Xác định chuyển đổi số tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, thời gian qua, các cấp chính quyền, địa phương đã tích cực vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm; mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới mang lại hiệu quả trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Thái Nguyên là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Nghị quyết chuyên đề đầu tiên mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành là nghị quyết về chuyển đổi số. Sự vào cuộc của các cán bộ, đảng viên, của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và của người dân trong công tác chuyển đổ số được đánh giá rất cao. Tôi thấy rằng ở tất cả các lĩnh vực, cán bộ, đảng viên các cơ quan, đoàn thể đều quan tâm triển khai thực hiện chuyển đổi số để tương tác với người dân và ứng dụng trong các lĩnh vực công tác của mình”.

Đối với chính quyền số - trụ cột có ý nghĩa quyết định, tạo ra sự lan tỏa mang yếu tố nền tảng cho toàn xã hội để kinh tế số và xã hội số tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những điểm sáng trong trụ cột chính quyền số đó là tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên được xác định là đơn vị triển khai điểm thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực, sáng tạo, nỗ lực, cố gắng triển khai các nhiệm vụ Đề án 06. Đối với triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, tỉnh đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công. Tỉnh đang tích cực rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo sẵn sàng kết nối và vận hành khi hệ thống của các Bộ, ngành được xây dựng, hoàn thiện và cho phép kết nối.

Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn tỉnh đã cấp được 1.037.054 căn cước công dân gắn chip, đạt 99%. Đến nay, UBND cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn đã triển khai số hóa, làm sạch hơn 1,1 triệu dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu dân cư, đạt tỷ lệ 100%, vượt chỉ tiêu và yêu cầu kế hoạch được giao. Kết quả này giúp UBND tỉnh Thái Nguyên tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, từ dự kiến số hoá trong 3 tháng xuống còn hơn 40 ngày; tạo thuận lợi cho công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân. Thực hiện Đề án 06, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu ở cả 3 trụ cột như: Thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID, Sổ tay đảng viên điện tử, khai trương mạng 5G… Sau khi hoàn tất thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại UBND xã Cao Ngạn, ông Dương Viết Hùng, trú tại xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Trước đây, thủ tục hành chính còn rườm rà. Hiện nay, thủ tục đã nhanh gọn, thuận tiện nên người dân rất phấn khởi”.

Về việc thực hiện Đề án 06 của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: “Thái Nguyên đã rất nỗ lực, cố gắng. Đặc biệt là đồng bộ được 2 cơ sở dữ liệu của Tư pháp và Công an”.

Về phát triển đô thị thông minh, tỉnh tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC), Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công. Hiện nay, thành phố Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị, 32/32 xã, phường triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; thực hiện kết nối với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục phát triển ứng dụng C-ThaiNguyen, tính đến ngày 25/10/2022, đã có 242.800 lượt tải, 71.968 người đăng ký tài khoản. Hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 1.819 phản ánh; đăng tải 448 tin cảnh báo; hệ thống camera giám sát giao thông từ đầu năm 2022 đến nay đã phát hiện 224.301 phương tiện tham gia giao thông chưa đúng quy định; hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội và thông tin báo chí tổng hợp được 359.354 nội dung viết về Thái Nguyên. Hỗ trợ các cấp chính quyền chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý.

[Megastory] Thái Nguyên - Nhìn lại hành trình 2 năm chuyển đổi số

DOANH THU KINH TẾ SỐ

ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO

TĂNG TRƯỞNG CHUNG

Kinh tế số được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội số được người dân hưởng ứng và sử dụng. Quá trình lan tỏa này được chứng minh hiệu quả ở chỉ số DTI năm 2021 khi kinh tế số đứng thứ 5 toàn quốc (chỉ sau: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc), còn xã hội số tăng tới 29 bậc, xếp thứ 8 (sau: 4 địa phương vừa kể trên và 3 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Ước tính, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 26 tỷ USD trong năm 2022, Triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử, tính đến ngày 25/10/2022, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thành công hóa đơn điện tử cho 7.560/7.560 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, đạt tỷ lệ 100%.

Đến nay, Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có 2.345 sản phẩm được cập nhật, đã đăng 129 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn, hiện tại sàn có 221 đơn vị tự đưa được sản phẩm lên sàn trực tiếp. Sàn giao dịch Thương mại điện tử đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen của tỉnh. Đến ngày 27/10/2022, có 189.903 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 1.852 sản phẩm nông nghiệp; tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 14.594 giao dịch.

ỨNG DỤNG XÃ HỘI SỐ

XÂY DỰNG CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN CHO NGƯỜI DÂN

Trên trụ cột xã hội số, nhiều ứng dụng, phần mềm đã được các sở, ngành của tỉnh xây dựng và triển khai, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Ứng dụng Thái Nguyên ID đạt trên 72.000 lượt cài đặt. Đặc biệt, ứng dụng này đã được vinh danh tại tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022).

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị liên quan triển khai. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 60 chợ truyền thống đã áp dụng mô hình chợ 4.0, trong đó Đại Từ có 24 chợ; 5 huyện, thành phố hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Để đạt được kết quả này, Thái Nguyên đã tích cực triển khai các giải pháp tuyên truyền cho nhân dân, đồng thời, phát huy vai trò của hơn 2.200 Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh để hướng dẫn, vận động người dân sử dụng cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện cho cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, trong năm 2022, tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Theo đó, đã có 26.869 hộ nghèo, cận nghèo được tạo tài khoản an sinh xã hội cá nhân, đạt 100%. Với tài khoản này, ngay trong dịp Tết Nguyên đán tới, quà tết và các nguồn lực hỗ trợ sẽ được chuyển tới 26.869 hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với đó, tài khoản cũng sẽ tiếp tục được sử dụng với mục đích lâu dài trong việc mở rộng thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

[Megastory] Thái Nguyên – Nhìn lại hành trình 2 năm chuyển đổi số

Khẳng định quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Tới đây, Chính phủ sẽ lựa chọn một số tỉnh, thành phố là mô hình thí điểm tỉnh, thành phố chuyển đổi số. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng những hành trang mà nếu được lựa chọn trở thành tỉnh chuyển đổi số sẽ thực hiện và hoàn thành; xứng đáng với niềm tin và sự lựa chọn cùa Chính phủ để thực hiện những mô hình mới, cách làm hay, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh chuyển đổi số với chất lượng, hiệu quả cao nhất, hướng tới người dân và doanh nghiệp, đưa Thái Nguyên phát triển lên 1 tầm cao mới. Đây sẽ là chìa khoá giúp cho tỉnh thực hiện được giấc mơ của mình, trở thành 1 tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta như những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn”.

“Hâm nóng” quyết tâm, lan tỏa tinh thần, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Thái Nguyên tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số./.

Cẩm Vân