Ý kiến về dự thảo Chương trình cho trẻ làm quen với  tiếng Anh
Chương trình hướng đến mục tiêu giúp hình thành nền tảng giao tiếp bằng tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo

Theo dự thảo Thông tư, chương trình được xây dựng đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Từ đó giúp trẻ được trải nghiệm với tiếng Anh theo phương châm giáo dục “học mà chơi, chơi mà học”; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên sau khi thông tư công bố không ít phụ huynh và nhà trường lo ngại về nhiều vấn đề .

Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên cho biết: “Hiện nay chưa có giáo viên chuyên biệt để dạy tiếng Anh nên chúng tôi vẫn liên kết với các trung tâm để thực hiện thực hiện nhiệm vụ cho trẻ mẫu giáo theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh. Nếu nhu cầu này tăng lên thì trường lại thiếu về phòng học riêng dành cho các con”

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở tổ 1, phường Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên cho biết ý kiến về vấn đề này:“Chất lượng của đội ngũ giáo viên là vấn đề mà Bộ và các trường phải thực sự quan tâm. Vì nếu như chất lượng đội ngũ giáo viên không đảm bảo thì việc nghe, đọc, nói, phát âm ngoại ngữ của các con sau này sẽ phải sửa rất nhiều, rất là khó”.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng lo lắng về việc chương trình làm quen với tiếng Anh ở bậc học mầm non sẽ gây áp lực cho trẻ. Đặc biệt đối với trẻ từ 5-6 tuổi, chương trình đặt ra các yêu cầu như: Tự tin trong giao tiếp, nghe và thực hiện được các yêu cầu liên tiếp, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

Ý kiến về dự thảo Chương trình cho trẻ làm quen với  tiếng Anh
Nhiều ý kiến cho rằng chương trình làm quen với tiếng Anh ở bậc học mầm non sẽ gây áp lực cho trẻ

Chị Vũ Thu Phương, phụ huynh học sinh ở phường Đồng Bẩm, Thành phố Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ: "Theo tôi việc cho các cháu ở lứa tuổi mầm non làm quen với tiếng Anh là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta chỉ nên dừng lại ở việc cho các cháu nhận biết và làm quen với một số từ tiếng Anh đơn giản”.

Chị Nguyễn Hoàng Trang ở tổ 22, phường Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên thì nêu ý kiến ở khía cạnh: “Có một số trẻ đặc biệt chậm phát triển về mặt ngôn ngữ hoặc là hơi chậm so với các bạn một chút. Vậy liệu cho trẻ tiếp xúc sớm với tiếng Anh liệu có làm tăng rối loạn phát triển ngôn ngữ của trẻ hay không, hoặc là về mặt nhận diện ngôn ngữ trong tiếng Việt của các cháu có bị ảnh hưởng hay không? Đấy cũng là điều mà tôi rất quan tâm, lo lắng”.

Bên cạnh những ý kiến băn khoăn, thì có không ít ý kiến ủng hộ chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo bởi những ưu điểm của việc cho trẻ tiếp cận làm quen từ sớm.

Cô giáo Nguyễn Hồng Vân, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương, Thành phố Thái Nguyên cho biết: “Sau một thời gian chúng tôi đưa ra chương trình cho trẻ làm quen sớm với tiếng Anh và nhà trường đã nhận được những phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Chúng tôi nhận thấy việc này đạt được hiệu quả rất tốt khi áp dụng trong lứa tuổi mầm non”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình làm quen với tiếng Anh ở bậc học mầm non chỉ có thể thực hiện ở những cơ sở mầm non đáp ứng được những yêu cầu theo quy định và được sự nhất trí của gia đình trẻ. Có thể thấy, việc làm quen với tiếng Anh ở bậc học mầm non sẽ tạo cơ sở và năng lực giúp hình thành nền tảng giao tiếp bằng tiếng Anh cho trẻ. Song để triển khai thực hiện một cách hiệu quả cần có những hướng dẫn cụ thể, để giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với các nhà trường hiện nay./.