Xứng đáng đô thị trung tâm - động lực tăng trưởng
Đô thị Thái Nguyên nhìn từ trên cao

Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 03 vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động với 7 nhiệm vụ trọng tâm, 6 chỉ tiêu phát triển chủ yếu và 10 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện. Sau 5 năm thực hiện, kết quả đạt được là toàn diện.

Trên lĩnh vực kinh tế, nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nên giai đoạn 2026-2020, tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất trên địa bàn đạt 15,75%. Dịch vụ, thương mại tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng 16,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đến năm 2020 đạt 8.500 tỷ đồng. Thu hút đầu tư có nhiều bứt phá, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phốThái Nguyên khẳng định: “TP Thái Nguyên là địa phương quán triệt rất sâu sắc Nghị quyết đổi mới của Đảng. Bởi vậy, thành phố luôn luôn quan tâm để phát triển doanh nghiệp. Và sự đồng hành của lãnh đạo TP Thái Nguyên cũng như nghị quyết của Thành ủy đối với hội doanh nghiệp có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp”.

Xác định diện mạo đô thị là trụ cột trong phát triển thành phố, thành phố tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng làm tiền đề cho phát triển kinh tế và phát triển đô thị. Nhiều dự án, công trình quy mô lớn, đã và đang được triển khai hiệu quả, như Dự án đô thị miền núi phía Bắc, Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực; dự án đường Bắc Sơn kéo dài. Cùng với đó, địa giới hành chính, không gian đô thị của thành phố được mở rộng, công tác quản lý trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm đã góp phần tạo diện mạo văn minh, hiện đại cho thành phố. Bộ mặt của các địa phương sáp nhập về thành phố ngày càng có sự đổi thay rõ rệt.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên nhận xét: “Từ khi chuyển về thành phố bộ mặt hạ tầng cơ sở ở địa phương thay đổi rõ rệt. Các công trình điện, đường, trường trạm đáp ứng đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống”.

Chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội luôn được TP Thái Nguyên coi trọng. Tính đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm còn 0,9%. Những công trình phục vụ an sinh xã hội như an lạc viên, nhà tang lễ được đầu tư xây dựng, tôn tạo khang trang, đã tạo thêm dấu ấn nhân văn trong sự phát triển của thành phố. Cùng với đó, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Ðảng tiếp tục được tăng cường trên tất cả các mặt.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thái Nguyên sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Thứ 2 là triển khai có hiệu quả 10 đề án về phát triển kinh tế, xã hội đã được HĐND thành phố khóa XIX thông qua, tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sự nghiệp văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh”.

Với bề dày truyền thống và những thành tựu được vun đắp, người dân TP Thái Nguyên đang cùng với cấp ủy, chính quyền đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách trong giai đoạn phát triển mới, để xây dựng thành phố phát triển về mọi mặt, xứng tầm là đô thị trung tâm không những của tỉnh Thái Nguyên cũng như vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.