Xuất khẩu, khẳng định sức bền kinh tế Thái Nguyên
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế FDI chiếm tỷ tọng lớn với trên 28 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, đưa Thái Nguyên tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Có thể khẳng định, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, chủ động thiết lập “vùng xanh” an toàn, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng, thì việc một số doanh nghiệp FDI sớm đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Kết thúc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế FDI vẫn chiếm tỷ tọng lớn với trên 28 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Ông CHEN BAO DONG, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar, KCN Yên Bình cho biết: “Dự án nhà máy của chúng tôi tại Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ. Chúng tôi bắt đầu sản xuất hàng loạt từ đầu quý II. Hiện tại thị trường xuất khẩu mặt hàng của công ty là Bắc Mỹ, sắp tới sẽ mở rộng thị trường sang châu Âu và Trung Quốc. 3 tháng cuối năm 2021 chúng tôi dự ước giá trị sản xuất đạt 300 triệu Đô la Mỹ”.

Bên cạnh khu vực kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, thì sự đóng góp về giá trị xuất khẩu của các khu vực kinh tế trong nước, địa phương cũng rất quan trọng. Kết thúc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuộc 2 khu vực kinh tế này đạt gần 570 triệu USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm xuất khẩu truyền thống, là thế mạnh của tỉnh thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí... tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tận dụng tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại và sự dịch chuyển kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập chia sẻ: “Trong lúc đang gặp khó khăn về xuất nhập khẩu thì sản xuất của đơn vị lại thuận lợi. Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội đầu tư kịp thời để đáp ứng thị trường. Đây là sự thành công ngoài kỳ vọng của doanh nghiệp từ trước đến nay”.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần CNT Group thông tin thêm: “Bản thân doanh nghiệp phải tự vận động. Năm 2021 Công ty thúc đẩy mạnh việc đầu tư, chú trọng đổi mới công nghệ. Năm 2022 Công ty xúc tiến hợp tác với chuyên gia Nga để chuẩn hóa các tiêu chuẩn của sản phẩm, hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là xuất khẩu”.

Xuất khẩu, khẳng định sức bền kinh tế Thái Nguyên
Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, năm 2021, xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên vươn lên tốp đầu trong bảng xếp hạng của cả nước

Mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, song với sự chủ động hội nhập, tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu của nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực công nghiệp thuộc khu vực kinh tế địa phương và trung ương đã tạo cho xuất khẩu trong nước, địa phương luôn giữ được chỉ số tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Đây là lời giải cho bài toán tăng trưởng xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước thời gian qua.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cho biết: “Với sự chuyển mình đổi mới, đầu tư của khối công nghiệp địa phương như Công ty Giang thép; Công ty Núi Pháo; các nhà máy may mở rộng và điều chỉnh… Tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới, công nghiệp địa phương sẽ tiếp tục tăng trưởng, sẽ đóng góp một tỷ trọng lớn hơn vào tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh”.

Năm 2021, xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đã suất xắc vượt qua nhiều tỉnh, thành phố để vươn lên tốp đầu trong bảng xếp hạng của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Đây là lần thứ 2, kể từ năm 2018, xuất khẩu Thái Nguyên lọt vào tốp 4 của cả nước. Việc duy trì thường xuyên thứ hạng cao về giá trị xuất khẩu đang cho thấy làn sóng đầu tư tiếp tục hướng đến Thái Nguyên. Đây là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục có những đột phá mới trong phát triển KT-XH thời gian tới.