Với một số loại hình báo chí (như báo in, báo điện tử) thì kênh hình (tranh, ảnh, sơ đồ, bảng biểu…) là một nhu cầu cần thiết. Thật khó có thể tìm được một tờ báo nào mà lại chỉ toàn chữ là chữ mà không có lấy một hình ảnh minh họa nào. Hình ảnh không chỉ là thông tin quan trọng của mọi tờ báo, mà hình ảnh còn giúp cho ma két (maquette) báo thêm sinh động và tăng tính thẩm mĩ. Kênh chữ và kênh hình là hai mặt làm nên tổng thể thông tin mà mọi người làm báo đều phải thấm nhuần. Ngoài báo thông thường, còn có một loại báo đặc biệt thiên về kênh hình, đó là báo ảnh.

Trong bài này tôi muốn trao đổi đôi điều về vấn đề “cần phải xử lí thế nào đối với việc chú thích ảnh trên các báo?”.

xu ly chu thich anh tren bao chi the nao cho hop ly
PGS.TS Phạm Văn Tình - Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam phát biểu trong hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Chú thích ảnh là lời thuyết minh, làm rõ cho nội dung mỗi bài viết. Người viết báo dù có viết hay đến mấy mà không có hình ảnh minh họa kèm theo sẽ làm giảm tính thuyết phục của bài. Thực ra, có những ảnh được in kèm bài viết, nhiều khi không nhất thiết phải có chú thích (không lời, chú thích zéro). Bởi chính tít bài hay một vài nội dung chủ đề trong bài viết đã bao trùm bài viết và “kiêm” luôn vai trò chú thích ảnh. Chẳng hạn: “Máy bay Boeing bị rơi ở sân bay Kabul”, “Mưa đá ở Xín Mần, Hà Giang”, “Nhữ Thị Khoa băng băng về đích”...

Tuy nhiên, hầu như tất cả các ảnh “ăn theo” bài báo đều phải có thông tin chú thích. Nhiều khi, bản thân bức ảnh chứa đựng những yếu tố mơ hồ, đa nghĩa cần phải chú thích để làm rõ thông tin. Ví dụ, trong bài viết “Ronaldo và Pepe không làm lành với nhau” mà không chỉ rõ ai là Ronaldo, ai là Pepe trong bức ảnh có 5-6 cầu thủ Real Madrid đang đứng tản mạn trên sân tập. Có lẽ bản báo cho rằng hai cầu thủ Real kia đã quá quen thuộc, quá nổi tiếng, nhìn là nhận ra ngay, cần gì phải chú thích. Không được. Về nguyên tắc, bất luận trong trường hợp nào cũng phải chính xác hóa vị trí nhân vật đang nói trong bức ảnh. Đó là nguyên tắc tối thiểu. Có phải ai trên thế giới đều biết Tổng thống Syria Basha al-Assad đâu mà in ảnh ông đang bắt tay Thủ tướng Palestine Abbas Mahmoud mà không chỉ rõ Assad (hay Abbas) đứng bên phải hay bên trái. Ngay cả khi biết chính xác 100% thì vẫn phải chú thích.

Trong các bài viết giới thiệu ai đó (chính khách, doanh nghiệp nổi tiếng, siêu sao…), có nhiều báo in ảnh nhân vật đang đề cập và in luôn ảnh tác giả bài viết nhưng chẳng có chú thích, thành ra người đọc không biết ai là ai (có khi cứ ngỡ ảnh tác giả bài viết là nhân vật VIP đang nói tới).

Có bài viết mang tính thời sự nhưng lại sử dụng ảnh nhân vật chính của bài quá cũ (chụp cách thời điểm hiện tại hàng chục năm) mà không chú rõ. Ví dụ, ảnh trong bài về Nhà văn Tô Hoài khi còn trẻ phải chú rõ “Tô Hoài năm 1941, khi ông viết “Dế Mèn phiêu liêu kí”” (vì bài viết khi Tô Hoài đã trên 90 tuổi). Nói chung, ảnh chân dung nhân vật thời sự nên chọn ảnh càng gần thời điểm viết càng tốt, còn nếu không (vì không có ảnh, vì ảnh được chọn đẹp hơn) thì nhất thiết phải ghi rõ năm chụp ảnh.

Đấy là đối với ảnh đơn. Còn trong những trường hợp đăng ảnh chùm (từ 2 ảnh trở lên) thì phải có chú thích dựa trên ma két trình bày (thứ tự trên dưới, trước sau, có đánh số để dễ nhận diện). Nội dung chú thích này cũng phải theo một cấu trúc văn bản được soạn riêng, sao cho phù hợp, ngắn gọn, đủ ý, chặt chẽ, tránh thông tin thừa (vì đã nói trong bài viết rồi) và tối kị đưa thêm những bình luận mang sắc thái biểu cảm chủ quan. Sự tham lam đưa quá dài thông tin này làm mất đi tính khách quan và giảm giá trị của bài viết.

Gần đây, có nhiều báo lại đưa quá nhiều những hình ảnh vô thưởng vô phạt (cốt lấp chỗ trống và để làm đẹp thêm trang báo). Đó là ảnh hoa hậu, người đẹp, diễn viên, ca sĩ… với lời chú “Ảnh chỉ có tính chất minh họa”. Có hai vấn đề cần nói ở đây: 1) Có thể làm sai lệch thông tin (Bài viết về các hiện tượng tiêu cực như những chuyện liên quan tới hành vi tội phạm – mại dâm, đánh ghen, buôn bán ma túy… nhưng lại đưa ảnh người mẫu, hoa khôi nào đó vào thì thật nguy hiểm); 2) Ảnh được chọn có được sự đồng ý của nhân vật và người chụp không? (Nếu không sẽ vi phạm bản quyền. Không phải ai được đưa ảnh lên báo họ đều thích, đã có nhiều trường hợp khiếu nại, kiện cáo về chuyện này). Với một số bài viết đặc thù, có thể kèm ảnh minh họa, nhưng nên hạn chế và tuân thủ luật báo chí về bản quyền.

Cuối cùng, dù là ảnh có chú thích hay không thì vẫn phải có thông tin xuất xứ cho mỗi ảnh. Đó là nguồn và tên tác giả. Chẳng hạn, Ảnh: TTXVN, Reuters, AP…; Võ An Ninh, Hoàng Kim Đáng, Thái Phiên…; hay “ảnh do nhân vật cung cấp”... Có nhiều báo, lại ghi chung chung “Nguồn: Internet”. Hiện nay, do thói quen và cũng chưa có sự chặt chẽ về việc khai thác thông tin trên mạng, mọi người vẫn lấy nguồn ảnh từ mạng. Nhưng nếu có phải ghi rõ xuất xứ tên website hay đường link cụ thể (trường hợp những website cho phép sử dụng ngữ liệu với điều kiện ghi rõ nguồn sử dụng)./.