Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh xảy ra vụ án
Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Gang thép Thái Nguyên

Theo đó trong phần tranh luận kéo dài từ sáng ngày 15 đến hết ngày 16/4, các luật sư bào chữa tập trung phân tích vai trò của các bị cáo trong vụ án, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh tại thời điểm xảy ra vụ án. Một số luật sư cho rằng các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm, thời điểm đó chỉ xuất phát từ mong muốn là làm sao đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để dự án đi vào hoạt động, bởi Dự án này không chỉ rất quan trọng đối với ngành thép mà còn có ý nghĩa qua trọng phát triển kinh tế xã của của đất nước và giải quyết lao động địa phương, khi Dự án đứng trước khó khăn, mong muốn chung của lãnh đạo VNS cũng như TISCO là quyết tâm triển khai bằng được dự án.

Như vậy, vào thời điểm đó, đây là mong muốn mang tính tích cực chứ không có chủ ý vụ lợi cá nhân và không lường hết được hậu quả. Hơn nữa trong giai đoạn triển khai dự án giai đoạn 2, tình hình kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái, vật giá leo thang, điều kiện khách quan này đã tác động không nhỏ dẫn đến việc Tổng thầu đề nghị đàm phán lại để tăng vốn và nhiều hệ quả khác như cáo trạng truy tố đã nêu.

Luật sư đề nghị ngoài việc xem xét đánh giá rõ nguyên nhân vì sao Dự án giai đoạn 2 của TISCO chậm tiến độ thì cũng cần đánh giá một cách khách quan vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong từng giai đoạn cụ thể. Cho đến thời điểm hiện nay Dự án Gang thép giai đoạn 2 vẫn chỉ là tạm dừng chứ không phải không tiếp tục thực hiện nữa.

Một câu hỏi lớn mà nhân dân cả nước đang quan tâm là cần xác định chính xác nguyên nhân thực chất dẫn đến Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 TISCO phả dừng đến thời điểm này và giải pháp nào để khắc phục, tránh để tài sản của nhà nước, của nhân dân tiếp tục bị thất thoát theo thời gian.

Nhiều luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" sang tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bào chữa cho bị cáo Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam – VNS, và lãnh đạo TISCO, luật sư cho rằng việc quyết định cho dừng dự án khi nhà thầu MCC (Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc) vi phạm hợp đồng đã vượt quá thẩm quyền nên VNS và TISCO không thể tự quyết định được việc này.

Theo luật sư, VNS và TISCO chỉ là người thực hành, còn chỉ đạo dự án là cấp trên của 2 đơn vị này. Để chứng minh hành vi của các bị cáo luật sư đã viện dẫn nhiều văn bản ký đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ để tiếp tục triển khai dự án, luật sư cho rằng các văn bản đó thực chất là ý tưởng của cấp trên, còn việc đề xuất của các đơn vị bên dưới chỉ mang tính chất hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo đúng quy trình.

Về cáo buộc chấp thuận VNINANCON làm nhà thầu phụ, luật sư nhắc lại văn bản 4320 của Bộ Công thương trong đó bộ này giới thiệu VINAINCON và khẳng định đây là doanh nghiệp thuộc Bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp.

Từ cơ sở trên, Hội đồng quản trị VNS có văn bản đồng ý chủ trương cho phép VINAINCON làm nhà thầu phụ. Sau này, trong kết luận, Thanh tra Chính phủ xác định việc Bộ Công Thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS và TISCO giao VINAINCON làm nhà thầu phụ là không đúng thẩm quyền được giao. Cũng theo luật sư, VINAINCON là một công ty có uy tín trên thị trường, nhiều đơn vị thành viên từng xây dựng các công trình lớn. Do vậy, việc quy kết VINAINCON thiếu năng lực là chưa khách quan.

Đối với cáo buộc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (từ hơn 3.800 tỷ lên hơn 8.100 tỷ), luật sư nói trước khi Hội đồng quản trị VNS chấp thuận tăng tổng mức đầu tư, VNS đã nhận được ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương, đều đồng ý hoặc thống nhất. Như vậy, bản chất việc phê duyệt của Hội đồng quản trị VNS là triển khai chủ trương đã được cấp lãnh đạo chấp thuận.

Trong quá trình tranh tụng tại tòa, nội dung tự bào chữa của các bị cáo và quan điểm bảo chữa của các luật sư đối với từng bị cáo đều thể hiện rõ quan điểm đề nghị hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát cần xác định rõ nguyên nhân vì sao giai đoạn 2 của dự án TISCO bị chậm tiến độ. Phải chăng là do phía tổng thầu Trung Quốc hay là lỗi của nhà thầu phụ hoặc trách nhiệm của phía TISCO. Bên cạnh đó, cũng đề nghị xem xét toàn bộ bối cảnh kinh tế- xã hội thời điểm xảy ra vụ án; Từ đó xác định mức độ vi phạm, trách nhiệm của từng bị cáo trong từng giai đoạn cụ thể. Có như vậy, khi lượng hình mới đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo đã được phép nói lời sau cùng trước khi nghị án.