Xây dựng văn hóa giao thông trong môi trường học đường
Buổi ngoại khóa tuyên truyền chuyên đề về pháp luật an toàn giao thông tại trường THPT Trần Quốc Tuấn

Buổi ngoại khóa tuyên truyền chuyên đề về pháp luật an toàn giao thông tại trường THPT Trần Quốc Tuấn đầu năm học mới thật khác. Chỉ trong 30 phút, những quy định về đảm bảo giao thông dù khô cứng nhưng bằng hình thức sân khâu hóa và những câu hỏi gợi mở dễ hiểu đã khiến các em học sinh hào hứng tham gia.

Em Đỗ Ngọc Ánh, Lớp 11A3, trường THPT Trần Quốc Tuấn, Đồng Hỷ hào hứng: "Em thấy rất thu hút vì có lối truyền đạt rất sân khấu hóa mang đến rất là nhiều câu chuyện dí dỏm, ý nghĩa. Từ đó chúng em đúc kết ra được nhiều kinh nghiệm khi tham gia giao thông".

Em Bế Anh Tuấn, Lớp 11A1, trường THPT Trần Quốc Tuấncho biết: "Thông qua buổi tuyên truyền này em đã hiểu hơn trong việc tham gia an toàn giao thông như việc tuân thủ đúng tốc độ quy định của từng loại xe, phải đội bảo hiểm và cần phải đem theo những giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông".

Tháng 9 là thời điểm học sinh các cấp bước vào năm học mới nên nhu cầu tham gia giao thông của người dân tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Bởi vậy, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên trong đảm bảo an toàn giao thông, hoạt động giáo dục, tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông đã được Ban An toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các nhà trường đồng loạt tổ chức, với nhiều đổi mới trong cách thức và nội dung truyền đạt.

Em Phạm Nguyễn Việt Nam - Lớp Sinh 10, trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết chia sẻ: "Trong thời gian rất là ngắn nhưng với cách truyền đạt dí dỏm, tuy khối lượng kiến thức không nhiều nhưng thiết thực, bởi nó là những kiến thức nền tảng nhất rất cần thiết cho mỗi người trong quá trình tham gia giao thông".

Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Một số những biện pháp tuyên truyền phù hợp với những xu thế phát triển của xã hội như tuyên truyền qua hình thức trực tuyến, kênh truyền, qua mạng. Bên cạnh đó đối với những buổi tuyên truyền trực tiếp như thế này, chúng tôi cũng đổi mới cái hình thức và nội dung tuyên truyền, phải làm cho gần gũi, dễ hiểu dễ nghe".

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 700 cơ sở giáo dục, với trên 340 nghìn học sinh, sinh viên. Theo thống kê sơ bộ, số học sinh, sinh viên đến trường bằng phương tiện cá nhân như xe máy điện, xe đạp điệp, xe gắn máy, xe đạp là trên 50%; số còn lại phần đông là do phụ huynh đưa đón. Đặc biệt, trong số gần 20.800 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh, có tới 30% trường hợp vi phạm là trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Bởi vậy, cùng với tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT, nhiều giải pháp, mô hình để đảm bảo ATGT khu vực cổng trường học đã được xây dựng và mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình tự quản cổng trường an toàn giao thông là một trong số đó.

Trung tá Lương Văn Hoàng, Phó Trưởng Công an phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Qua quá trình xây dựng mô hình tự quản sẽ góp phần giảm tải cho các lực lượng công an phường cùng chung tay thực hiện tốt đảm bảo trật tự an toàn giao thông".

Xây dựng văn hóa giao thông trong môi trường học đường

Xây dựng văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Bởi vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông từ môi trường học đường là thực sự cần thiết để xây dựng những công dân gương mẫu cho xã hội, góp phần hướng tới một môi trường giao thông an toàn.

Ông Phạm Công Huấn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hoạt động tuyên truyền và giáo dục, nhắc nhở các em phải duy trì liên tục trong cả năm học luôn chấp hành nghiêm các quy định, quy tắc tham gia giao thông. Trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân mình".

Xử lý vi phạm là cần nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là phải tạo dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông. Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực không chỉ góp phần hình thành ý thức, thói quen và văn hóa giao thông từ môi trường học đường, mà còn lan tỏa sâu rộng đến gia đình và xã hội.