Xây dựng và nhân rộng mô hình để bản Mông ở Đồng Tâm phát triển bền vững
Mô hình điểm về trồng Sâm cát ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt

Được biết đến là xóm đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt chủ yếu là bà con người Mông sinh sống. Do vẫn giữ thói quen cũ trong việc canh tác nên khi đưa các mô hình, giống mới vào sản xuất nhằm đưa đời sống của người dân phát triển đi lên, đồng bào nơi đây còn băn khoăn chưa mạnh dạn thực hiện. Thậm chí người nhà của những người tiên phong đứng ra làm trước còn không đồng đồng tình, ủng hộ.

Anh Dương Văn Phong, Bí thư chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết: “Từ trước đến nay, tập quán, thói quen của người Mông là quen trồng cây ngô, cây sắn nên khi đưa mô hình vào là không làm, không đồng tình ủng hộ vì sợ thất bát”.

Anh Lý Văn Sài, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương thì chia sẻ: “Khi đưa các mô hình kinh tế với giống mới thì các bà như vợ tôi không ủng hộ vì còn thiếu hiểu biết, chỉ nghĩ trồng ngô, sắn như trước thôi. Lúc đầu kêu là làm mô hình kỹ thuật cao nên khó, bảo không biết nên không làm”.

Phải mất tới 4 lần họp chi bộ và 4 lần ban hành Nghị quyết mô hình cây Sâm Báo, Sâm Bố Chính và cà Gai Leo này mới thực hiện được tại xóm Đồng Tâm. Và cũng chỉ có cách là Đảng bộ, chi bộ vận động các đảng viên, cán bộ xóm làm trước, sau đó mới vận động nhân dân nhân rộng mô hình.

Anh Lý Văn Sài, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương kể lại: “Chi bộ ra nghị quyết mấy lần để quyết tâm vận động bà con nhưng không ai chịu làm. Tôi đứng ra vận động 1 số đảng viên làm trước có kết quả để bà con nhìn thấy người ta mới dám làm theo”.

Anh Sầm Văn Giàng, Đảng viên chi bộ Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho rằng: “Là đảng viên mình nên chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải làm trước, làm gương cho bà con. Thực hiện 1 số mô hình điểm, đạt năng suất, chất lượng, tiêu thụ trên thị trường để bà con đồng thuận áp dụng theo”.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, vận động được người dân tại Đồng Tâm, nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và sau khi giải thể chi bộ xã, Đảng ủy xã Động Đạt đã phân công 2 đảng viên là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã, Phó Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã trực phụ trách chi bộ và sinh hoạt cùng chi bộ Đồng Tâm. Đây là những người có hiểu biết và gắn bó với bà con người Mông từ nhiều năm nay.

Xây dựng và nhân rộng mô hình để bản Mông ở Đồng Tâm phát triển bền vững
Mô hình điểm trồng cà Gai Leo ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt

Từ đây, những cuộc họp xóm, họp chi bộ được thực hiện theo đúng quy định của cấp trên. Hoạt động của chi bộ, của xóm nền nếp, khoa học và đổi mới. Ngoài nội dung sinh hoạt theo quy định, chi bộ, xóm còn mời cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trực tiếp xuống trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật để đưa các mô hình về thực hiện tại địa phương tại các hội nghị, cuộc họp xóm. Đến nay, các mô hình kinh tế đưa vào thực hiện tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt đã được cán bộ, đảng viên và người dân đón nhận bước đầu đạt kết quả.

Anh Ma Tiến Cốp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cà Gai Leo: “Cây cà Gai Leo này lắm gai, thu hoạch chúng ta dùng găng tay 2 lớp, cắt tầm 10-15 cm, bó từng bó nhỏ đưa vào máy cho dễ. Để tươi là băm luôn để sản phẩm đảm bảo chất lượng, hình thức. Thời tiết khô ráo thì mới thu hoạch. Cắt xong 1 tuần thì bó phân NPK để bón thúc cho vụ sau và làm cỏ sạch sẽ".

Anh Dương Văn Phong, Bí thư chi bộ Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương chia sẻ: “Đến thời điểm này, xóm đã làm được mô hình hiệu quả. Tới đây, sẽ vận động bà con mở rộng diện tích để phát triển”.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu cho thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện nhiều ở bản Mông Đồng Tâm, xã Động Đạt. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà theo hướng hữu cơ của anh Định Văn Tuấn; mô hình nuôi lợn của của anh Thân Văn Tâm; mô hình nuôi trâu, bò lấy thịt của anh Dương Văn Phong, Hoàng Thế Tiến. Những năm gần đây, mỗi năm xóm Đồng Tâm đã giảm bình quân 2 hộ nghèo. Cả xóm có 71 hộ, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo và cận nghèo.