Tạo hành lang pháp lý về DQTV

Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục DQTV (Bộ Tổng Tham mưu) khẳng định: Sau 8 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật DQTV đạt kết quả thiết thực. Nổi bật là chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ của DQTV từng bước được nâng lên. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DQTV nói riêng từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của DQTV, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về DQTV.

xay dung phat huy suc manh tong hop cua dan quan tu ve

Dân quân thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Ảnh: ĐẶNG NGỌC NAM

Khảo sát thực tế ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn các quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, chúng tôi nhận thấy, để đạt được kết quả trên, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương đưa nội dung công tác DQTV vào nghị quyết lãnh đạo về công tác quân sự, quốc phòng; nhiều địa phương có nghị quyết chuyên đề về công tác DQTV. Đến nay, 100% cấp tỉnh đã ban hành đề án hoặc kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách đối với DQTV; đề án đào tạo cán bộ quân sự ban CHQS cấp xã, phường, thị trấn. Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 cho hay: “Luật DQTV và các văn bản dưới luật là cơ sở, hành lang pháp lý để cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ DQTV thực hiện thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở”. Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật về DQTV, các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan đã rà soát, điều chỉnh tinh gọn số lượng DQTV. Đến tháng 6-2017, tổng số DQTV toàn quốc đạt l,44% so với dân số. Tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 20,l%. Các địa phương đã thành lập được 5.441 chi bộ quân sự ở xã, phường, thị trấn, 527 tổ đảng quân sự cấp xã. Đặc biệt, các địa phương của Quân khu 5, 7, 9 có gần 100% xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ quân sự cấp xã.

Một trong những nét nổi bật là hoạt động của DQTV ngày càng đi vào nền nếp, khả năng SSCĐ của dân quân thường trực, DQTV cơ động, binh chủng được nâng lên. Chất lượng huấn luyện, SSCĐ, diễn tập… của lực lượng DQTV có bước chuyển biến tiến bộ đáng ghi nhận. DQTV đã chủ động phối hợp với các lực lượng ngăn chặn nhiều vụ xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới đất liền, tham gia tích cực bảo vệ biên giới biển, đảo. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Luật DQTV đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của lực lượng DQTV. DQTV không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ mà còn thường xuyên phối hợp với công an cấp xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tích cực tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng và làm công tác vận động quần chúng...”.

Mới đây, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nặng nề ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, DQTV chính là lực lượng có mặt tại hiện trường ứng trực, xử lý các tình huống và khắc phục hậu quả, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trong những ngày qua, 6 tỉnh miền Trung đã huy động gần 20.000 lượt DQTV tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 10. Những việc làm đó đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao.

Những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, qua 8 năm thực hiện Luật DQTV đã bộc lộ một số hạn chế như: Nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của DQTV và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và một số cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa sâu sắc, toàn diện; một số văn bản pháp luật về DQTV chậm triển khai ở cơ sở. Việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của một số địa phương, cơ quan, tổ chức còn chậm, điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời. Cùng với đó, công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV, công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV ở một số địa phương chưa chặt chẽ; chưa quản lý được dân quân đi làm ăn xa. Tổ chức, xây dựng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được tự vệ và chưa tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương theo quy định…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Luật DQTV, Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên cho rằng, trước hết các đơn vị, địa phương phải thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DQTV làm chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn dân. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; Kết luận số 41-KL/TW ngày 31-3-2009 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5-10-2002. Thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hoàn chỉnh chính sách, pháp luật về DQTV phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan ban hành từ năm 2009 đến nay. Do đó, phải sửa đổi Luật DQTV nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp; chú trọng xây dựng DQTV biển, DQTV phòng không, pháo binh, cơ động, thường trực trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm về quốc phòng, an ninh...