Xây dựng học liệu số nhằm đáp ứng dạy và học trực tuyến
Các trường học chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Đại Từ ngày 14/12 đã chuyển sang dạy và học trực tuyến sau khi thị trấn Hùng Sơn ghi nhận ca F0 trong cộng đồng. Ngay trong buổi sáng, cô Trịnh Mai Phương đã bắt đầu tiết học online. Nhờ việc chuẩn bị kỹ kho bài giảng của mình và linh hoạt trong phương pháp truyền thụ kiến thức cho học sinh nên việc chuyển trạng thái dạy học không còn bất ngờ và khó khăn.

Giáo viên Trịnh Mai Phương, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Đại Từ cho biết: “Vẫn bản giáo án điện tử Powerpoint đó nhưng nếu giảng trực tiếp thì sẽ phải thiết kế dưới dạng kiểm tra bài tập. Còn nếu dạy trực tuyến thì giáo viên sẽ kiểm tra ở hình thức khác và phải có hình thức tạo hứng thú cho học sinh bằng các bài tập dưới dạng khác nhau, học sinh thì được tương tác trực tiếp với các thầy cô”.

Bà Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Đại Từ thông tin: “2 năm trở lại đây chúng tôi luôn xoay chuyển giữa tình hình dịch bệnh thay đổi, hôm nay học trực tiếp nhưng mai có thể lại dạy trực tuyến. Hoặc có khoảng thời gian dài dạy trực tuyến. Vì thế các thầy cô đã xây dựng kho bài giảng chung của nhà trường để dùng chung”.

Từ đầu năm học, nhiều địa phương đã chuẩn bị kho dữ liệu bài giảng dùng chung cho các nhà trường. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng xây dựng kho thư viện bài giảng, video điện tử để giáo viên toàn trường cùng tìm hiểu, sử dụng. Đây là cơ hội để thầy cô hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.

Xây dựng học liệu số nhằm đáp ứng dạy và học trực tuyến
Kho dữ liệu bài giảng sẽ giúp giáo viên truyền đạt kiến thức, kỹ năng tốt hơn và học sinh khi học trực tuyến không bị nhàm chán

Bà Hà Phong Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP Thái Nguyên cho biết: “Các tổ, khối chuyên môn sẽ phân công nhau để soạn các bài và được kiểm duyệt nội dung trước khi chuyển đến phụ huynh và các em học sinh. Năm trước chung tôi có nguồn học liệu phong phú. Nếu kỳ 2 tình hình dịch bệnh phức tạp và vẫn học trực tuyến thì chúng tôi cũng đã có nguồn dữ liệu đó rồi”.

Ông Phan Tuấn, Phó trưởng phòng Giáo và Đào tạo huyện Đại Từ chia sẻ: “Thời gian đầu, phòng tập trung 1 số thầy cô ở các bộ môn sẽ giảng dạy, quay video bài giảng, sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung chuyên ngành và phát điểm cho các khối 6,7,8,9 và đặc biệt chú trọng đến khối 9. Sau đó, chúng tôi giao trách nhiệm cho các thầy cô nhà trường xây dựng kho dữ liệu cho từng bộ môn”.

Với bậc học mầm non, để triển khai việc giáo dục trẻ tại nhà, các cô giáo đã nỗ lực, không ngừng tìm tòi và đưa ra các hình thức giáo dục cho phù hợp. Dù là sản phẩm “tự sản xuất” nhưng những video như thế này có nội dung phong phú, dễ hiểu. Song song với lời hướng dẫn của giáo viên còn có những hình ảnh minh họa sinh động.

Cô Nguyễn Thị Trà My, Trường mầm non Phố Cò, TP Sông Công chia sẻ: “Qua những video này các cô phải tìm hiểu những điều mới mẻ, thú vị để các con xem không thấy bị nhàm chán”.

Mặc dù việc biên soạn bài giảng số cần nhiều thời gian và tỉ mỉ hơn so với bài giảng trực tiếp, song với mỗi bậc học, việc xây dựng kho dữ liệu bài giảng theo hình thức phù hợp giúp giáo viên chủ động, kịp thời cung cấp kiến thức, bảo đảm chương trình, chất lượng dạy học.

Đặc biệt, nếu khai thác, vận dụng được những lợi ích từ nền tảng số sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, qua đó nâng cao hiệu quả của dạy học trực tuyến.