Đã 3 năm nay, một cây cầu xây dựng trái phép, rồi hàng ngày tiến hành thu phí cũng trái phép vẫn mặc nhiên tồn tại trên dòng sông Công thuộc xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên! Do là lối đi thuận tiện nhất từ xã Minh Đức sang trung tâm thành phố Sông Công nên hàng ngày có khá nhiều lượt người đi lại qua đây. Việc tự ý đứng ra thu tiền khiến những người đi qua đây mỗi ngày đều cảm thấy bức xúc, nhưng lâu dần cũng thành quen!

0418-xay-dung-cau-40

Cây cầu tạm đoạn bắc qua Sông Công trên địa bàn xóm Đầm Mương, xã Minh Đức thị xã Phổ Yên.

3 năm trước, cây cầu tạm này được xây dựng lên theo một chủ trương của cấp ủy 4 xóm miền Đầm Mương xã Minh Đức, một cá nhân đã được 4 xóm này thống nhất cho đứng ra ứng vốn xây cầu tạm để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân khi nhà nước chưa có kinh phí xây cầu cứng. Mong muốn của người dân là chính đáng, nhưng việc dựng cây cầu tạm này lại sinh ra rất nhiều vi phạm: như xây dựng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không thiết kế kỹ thuật, không đảm bảo an toàn, không hồ sơ thanh quyết toán, thế nhưng người xây cầu lại lập bốt rồi tiến hành thu phí theo lý giải là thực hiện chủ trương của xóm, vì thế nên người qua lại bằng xe máy phải nộp 4 nghìn đồng/lượt, xe ô tô 10 nghìn đồng/lượt. Nếu là người dân địa phương thì mua vé cả năm bằng thóc.

Ông Nguyễn Quốc Bình xóm Đầm Mương, Minh Đức, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên chia sẻ: “Nhà này làm cầu thì dân xóm được đi qua cầu đấy, 1 năm tôi nộp 1 tạ thóc để qua cầu. Xe máy chúng tôi đi qua thường là 4 nghìn đồng/lượt.

Ông Lý Văn Nuôi, Người thu phí cầu tạm xóm Đầm Mương, Minh Đức, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: “Tôi không căn cứ vào đâu để định ra mức thu phí, ở đây thì mức thu nó như thế này thôi. Làm lên cây cầu ở đây với bà con thì tôi cắt phần trăm. Nếu như muốn tìm hiểu rõ thì phải vào gặp chính quyền, chứ tôi chỉ là người thi hành, làm thuê”.

Chỉ là một hộ dân ứng vốn xây cầu, trong khi chưa có cơ quan nào cho phép nhưng để phục vụ cho việc thu phí, ông Nuôi đã cho dựng cổng chào, đặt biển khiến người qua cầu dễ hiểu rằng việc này đã được sự thống nhất và cho phép.

Bức xúc trước việc thu phí trái phép, người dân phản ánh, báo chí vào cuộc, hàng loạt các vi phạm đã được chỉ ra. Chính quyền xã Minh Đức cũng thừa nhận, không hề có chủ trương cho thu phí đối với khách vãng lai qua lại trên cây cầu này. Năm 2019, chính quyền thị xã Phổ Yên khi đó đã chỉ đạo xã Minh Đức tiến hành xử lý, xã cũng đã hứa sẽ quyết tâm chấn chỉnh vi phạm.

Ông Triệu Thế Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên cho biết: “Cấp ủy chính quyền cũng làm báo cáo đề nghị UBND về việc nhân dân đóng góp xây cầu tạm để đi. Khi báo cáo tờ trình của cơ sở về UBND xã chúng tôi cũng trao đổi với cơ sở nếu mà nhân dân đóng góp bắc cầu tạm đấy là nguyện vọng của nhân dân là chính đáng nhưng không được phép thu tiền. Chúng tôi không có văn bản nào nhất trí cho cơ sở để thu tiền đó”.

0441-xay-dung-cau-30

Việc thu phí trên cây cầu tạm trái phép vẫn mặc nhiên diễn ra.

Sau hơn một năm quyết tâm của lãnh đạo xã Minh Đức, việc thu phí trên cây cầu tạm trái phép vẫn mặc nhiên diễn ra, người dân địa phương bức xúc nhưng cũng mơ hồ chẳng hiểu cây cầu này tồn tại là sai hay đúng nữa, vì nếu đúng thì giá trị xây dựng cây cầu tạm này là bao nhiêu, tiền thu phí hàng ngày được nhiều hay ít, thời gian thu phí như thế nào, ai quy định giá vé qua cầu cần phải được công khai, minh bạch. Còn nếu là sai thì chẳng hiểu vì sao nó cứ tồn tại mãi như thế.

Theo ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch UBND xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên: “Đến giờ khẳng định xây dựng không phép, trái quy định nhà nước nhưng mục đích chính chỉ là phục vụ cho nhân dân đi lại và phát triển kinh tế của địa phương. Nói chung đến giờ là thuận tiện. Nhưng mặt trái ở đây là việc thu phí, nếu cầu mà không cấp phép thì không có quy định nào về mức thu phí. Đây là vấn đề khó, nhân dân đóng góp để hoàn vốn ở đấy là có khoảng 400 hộ dân đóng góp bằng thóc tức là mỗi hộ gia đình dự kiến ban đầu là 60 kg thóc/năm. Nhưng bây giờ thống nhất cấp ủy, chính quyền và nhân dân là nâng lên 100kg thóc/năm 1 hộ gia đình đi lại. Nhưng bây giờ vướng mắc là thu phí khách vãng lai. Chúng tôi cũng đã họp với nhân dân, để đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của thị xã khi ở ngưỡng lũ nào thì tuyệt đối cấm không cho dân đi lại, đã thiết lập biên bản các bên và nếu như xảy ra tình trạng đó đã cử lực lượng dân quân vào canh phòng để đảm bảo an toàn. Vướng mắc về thu phí vãng lai thì có một vấn đề là nếu không cấp phép thì không cho thu, đấy là quy định. Nhưng mà không thu thì bao giờ hoàn được vốn, cái này chúng tôi cũng đang suy nghĩ là cần tranh thủ ý kiến các ngành cấp trên để có hướng tháo gỡ vì bây giờ khẳng định là xây dựng trái phép, thu phí cũng trái phép, đây là vấn đề khó mà cấm không cho lưu thông thì ảnh hưởng đến hoạt động và đi lại của nhân dân”.

Như vậy 3 năm nay nó vẫn là một cây cầu trái phép. Nhu cầu được đi lại thuận tiện của người dân là chính đáng, nhưng việc đảm bảo an toàn về tính mạng của hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày cũng không thể xem nhẹ, vì thế xã Minh Đức và thị xã Phổ Yên cũng cần xem xét để có biện pháp xử lý dứt điểm những bất cập của cây cầu trái phép này ngay trong mùa mưa bão năm nay.