Xây dựng sản phẩm OCOP - cần sự chung tay vào cuộc
Hợp tác xã chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng với sản phẩm mỳ gạo Bao Thai được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Hợp tác xã chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng - một trong những chủ thể kinh tế được ghi nhận, đánh giá cao trong năm 2020 có sản phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, hợp tác xã thường xuyên được cán bộ nông nghiệp huyện hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm và hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu minh chứng nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Và năm 2020, sản phẩm mỳ gạo bao thai Định Hóa của Hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Chị Ma Thị Hằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa vui mừng cho biết: “Ngành nghề chính mà tôi chọn bây giờ là sản xuất ra mỳ gạo Bao Thai Định Hóa. Trong thời gian qua, tôi rất cố gắng và sản phẩm của tôi phát triển, thị trường mở rộng. Vì chúng tôi coi trọng chất lượng, làm từ gạo bao thai của quê hương mình, được nhiều người biết đến. Đến năm 2020, sản phẩm của tôi đạt sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực 28 tỉnh phía bắc và sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên”.

Năm 2021, huyện Định Hóa có 12 sản phẩm được các địa phương đăng ký xây dựng OCOP. Nhằm giúp các địa phương xây dựng thành công sản phẩm OCOP, ngay từ khi các địa phương đăng ký sản phẩm, huyện Định Hóa đã phân công các cơ quan chuyên môn bám sát cơ sở, hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định sản phẩm; mở các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn các quy định về xây dựng bao bì, tem, nhãn mác; chỉ đạo các xã phân công cán bộ phụ trách nông nghiệp; đảm nhận thêm nhiệm vụ của chương trình OCOP có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và cơ quan thường trực tuyên truyền cho các chủ thể phấn đấu, nâng cấp, hoàn thiện để tạo thành các sản phẩm OCOP.

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, huyện Định Hóa thông tin: “Thực hiện sự chỉ đạo về xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương thì chính quyền xã đã chỉ đạo các đơn vị đăng ký. Hiện xã có 2 hợp tác xã đăng ký. Thứ nhất là sản phẩm chè nõn của Hợp tác xã Phú Đạt, sản phẩm trà Long Vân của Hợp tác xã Phú Hội. Chúng tôi đã phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn thực hiện theo đúng tiêu chí quy định để phấn đấu đạt chuẩn OCOP”.

Định Hóa là địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông, lâm sản có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình, số doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn ít và phần lớn hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, cần có những giải pháp để phát triển thành các chuỗi liên kết sản xuất đem lại hiệu quả bền vững.

Xây dựng sản phẩm OCOP - cần sự chung tay vào cuộc
Trà tôm nõn là một trong 12 sản phẩm của huyện Định Hóa có tiềm năng để phát triển trở thành sản phẩm OCOP

Ông Ngô Quốc Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện Định Hóa khẳng định: “Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ cho 12 sản phẩm có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP, hỗ trợ đăng ký logo, thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ 1 phần kinh tế để in bao bì cho các sản phẩm. Chúng tôi đang tổ chức phân công cán bộ trong tổ phát triển sản phẩm OCOP để hỗ trợ, tư vấn cho từng đơn vị có sản phẩm từ lập hồ sơ đến đánh giá chất lượng. Đây là xu thế cần phải làm và là bước cần phải có theo mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết hiện nay”.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP theo chu trình 6 bước, huyện Định Hóa cũng đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc chuyển đổi hình thức canh tác nhỏ lẻ, thủ công sang quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất và chú trọng khâu chăm sóc, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc xây dựng các sản phẩm trong chương trình OCOP sẽ khai thác thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ theo chuỗi giá trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện do vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân trong thực hiện chương trình này./.