Vụ biến động điểm sau phúc khảo thi tuyển giáo viên: Những thí sinh rớt lên tiếng
Như Dân trí đã phản ánh, trong 86 thí sinh tham dự thi tuyển giáo viên tại hội đồng thi huyện Bình Sơn xin phúc khảo có đến 71 thí sinh tăng điểm. Nhiều thí sinh có tổng điểm tăng từ 10 - 14 điểm (thang điểm 100).
Điểm số biến động khiến 8 thí sinh trúng tuyển bị 8 thí sinh xin phúc khảo tăng điểm "chiếm chỗ" ở những môn đã đủ chỉ tiêu. Đồng thời có thêm 5 thí sinh sau phúc khảo đủ điểm trúng tuyển vào môn vẫn còn thiếu chỉ tiêu.
Chị X. (nhân vật đề nghị giấu tên) là một trong 8 thí sinh "bỗng dưng" rớt, cho biết: Theo kết quả công bố điểm lần đầu, tổng điểm của chị nằm trong danh sách trúng tuyển vào môn đăng ký dự thi.
Đây là kết quả khiến chị X. vô cùng vui mừng sau 4 năm phải đi dạy thêm để theo đuổi ước mơ được đứng trên bục giảng. Thế nhưng khi có kết quả phúc khảo, chị X. và 1 thí sinh khác nằm cuối danh sách đủ điểm trúng tuyển trước đó lại rớt.
So sánh giữa điểm được công bố lần đầu và kết quả phúc khảo, cho thấy: trong 2 thí sinh từ rớt thành đậu (ở môn chị X. dự thi) có 1 thí sinh điểm chuyên ngành là 46,5 (điểm liệt) sau phúc khảo tăng 4,5 điểm lên mức 51/100 điểm. Thí sinh còn lại phúc khảo cả 2 môn đều tăng điểm, trong đó môn chuyên ngành tăng 3,5 điểm và môn kiến thức chung tăng 4 điểm.
"Có trường hợp chỉ hơn thua nhau 1/100 điểm đã quyết định đậu rớt, vậy mà những người có trách nhiệm cho rằng sự tăng điểm này là bình thường thì không thể chấp nhận được. Chỉ cần phúc khảo tăng 1 - 2 điểm đã khiến mọi nỗ lực của những thí sinh khác trở thành vô nghĩa", chị X. cho biết.
71/86 thí sinh xin phúc khảo bài thi tăng điểm, trong đó có 13 thí sinh từ rớt thành đậu và 8 thí sinh "mừng hụt" vì đã đậu lại rớt |
Giống chị X., một thí sinh khác cũng chật vật dạy hợp đồng suốt 4 năm ở miền núi. Trong đợt thi tuyển giáo viên vừa qua, thí sinh này đăng ký dự thi tại huyện Bình Sơn với ước mơ trúng tuyển để ổn định công việc.
Nhờ nỗ lực, tổng điểm xét tuyển của thí sinh này cũng nằm trong diện trúng tuyển. Tuy nhiên sau phúc khảo, 2 thí sinh trước đó bị "điểm liệt" tăng điểm bất thường và "lật ngược thế cờ" một cách ngoạn mục.
"Thật sự em không hiểu tại sao điểm phúc khảo thay đổi bất thường như thế vì giáo viên chấm thi lần đầu đều là những người giỏi. 2 thí sinh đẩy tụi em rớt khỏi danh sách trúng tuyển lúc đầu điểm thấp, còn bị "điểm liệt" môn chuyên ngành. Vậy mà sau phúc khảo, một bạn từ 44 điểm tăng lên 50 điểm, bạn còn lại từ 42 điểm tăng lên 50,50 điểm. Với mức tăng này thì cả 2 đều thoát hiểm và trở thành thí sinh trúng tuyển khiến em và một bạn khác rơi vào tình cảnh "mừng hụt", thí sinh bày tỏ sự hoài nghi với phóng viên Dân trí.
Kỳ thi tuyển giáo viên tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra vào cuối năm 2017. Có trên 600 thí sinh đăng ký dự thi với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 197 người. Trong đó, bậc Mầm non tuyển 68 chỉ tiêu, bậc Tiểu học tuyển 113 chỉ tiêu và 16 chỉ tiêu bậc THCS. |
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng điểm phúc khảo môn Tin học bậc Tiểu học có vấn đề.
Theo đó, môn Tin học có 62 thí sinh dự thi. Đây là môn có tỷ lệ chọi thấp nhất trong kỳ thi khi có đến 32 chỉ tiêu tuyển dụng. Thế nhưng chỉ có 26 thí sinh trúng tuyển, số thí sinh còn lại phần lớn bị "điểm liệt" ở môn chuyên ngành.
Sau đó, 11 thí sinh xin phúc khảo bài thi chuyên ngành thì cả 11 bài thi tăng điểm. Trong số này có 5 thí sinh có điểm số tăng vừa đủ vượt qua ngưỡng "điểm liệt" (4 trường hợp vừa tròn 50 điểm và 1 trường hợp đạt 52 điểm). Đáng chú ý có 1 trường hợp tăng đến 10 điểm mới có thể "chạm mốc" 50/100 điểm chuyên ngành. Và dĩ nhiên, 5 thí sinh này đều đủ điều kiện trúng tuyển sau khi phúc khảo.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn ý kiến bạn đọc phản ánh, phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên lạc đăng ký làm việc với ông Võ Đình Trà - Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện Bình Sơn nhưng đều bị từ chối với lý do bận công tác.
Ông Trà yêu cầu phóng viên làm việc với ông Hồ Tấn Sỹ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn. Khi phóng viên liên lạc với ông Hồ Tấn Sỹ thì ông Sỹ lại cho rằng mình chỉ là thành viên hội đồng thi nên không có thẩm quyền phát ngôn với báo chí.