Võ Nhai: Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp từ lúa gạo
Mì gạo, bún khô của HTX Tiến Diện đạt chuẩn ocop.

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất mì, bún khô quy mô các hộ gia đình, sau hơn 1 năm thành lập HTX, tổ chức lại sản xuất, đến nay HTX Bún khô Tiến Diện ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đã bước đầu khẳng định được chất lượng, thương hiệu từ chương trình ocop với 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là tiền đề để các sản phẩm của Hợp tác xã có cơ hội được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sử dụng nguyên liệu tại địa phương nhằm khuyến khích nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lúa gạo trên địa bàn là điều mà Hợp tác xã quan tâm.

Ông Hoàng Tiến Diện - Giám đốc HTX Mì, bún khô Tiến Diện, Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: "Làm ra những sản phẩm này là phải sản xuất theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi thu mua thóc gạo ở 2 xã Dân Tiến và Bình Long sản xuất theo chương trình Vietgap để làm ra các sản phẩm mì, bún khô".

Từ sản phẩm mỳ gạo truyền thống của gia đình, chị Thạch Thị Hương ở thị trấn Đình Cả đã đầu tư thành lập Hợp tác xã Mỳ gạo Tiền Phong để nâng cao chất lượng, sản lượng và xây dựng thành công sản phẩm OCOP của huyện vùng cao. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất 3 tấn mỳ gạo và khoảng 1 tấn bánh phở, bánh cuốn xuất bán ra thị trường, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng cho trên 10 lao động địa phương. HTX đang đầu tư mở rộng sản xuất với tham vọng sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.

Võ Nhai: Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp từ lúa gạo

Chị Thạch Thị Hương - thị trấn Đình Cả, huyệnVõ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ: "Thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng hạng sao".

Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai gần 90 tổ hợp tác và hợp tác xã với đa dạng các ngành nghề, trong đó chiếm đến 64% là HTX nông, lâm nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ HTX thành lập mới, có 25 HTX trong huyện được hỗ trợ tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp từ lúa gạo.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng đã nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất nguồn nguyên liệu lúa hữu cơ để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm mì gạo. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các HTX tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cả về máy móc dây chuyền sản xuất".

Cùng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương; các sản phẩm được chế biến từ gạo đang dần trở thành một sản vật của huyện vùng cao Võ Nhai. Để sản phẩm được phát triển hơn nữa trên thị trường, bên cạnh sự cố gắng của mỗi HTX cần tiếp tục có những hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.